.

Hội nghị liên hợp quốc về khí hậu: Thỏa thuận Durban bế tắc

Khủng hoảng kinh tế và bất đồng của 3 nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, đã tạo ra những trở ngại cho thỏa thuận toàn cầu tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu đang diễn ra ở thành phố Durban của Nam Phi.

Hàng loạt vấn đề đã được đặt ra xung quanh tương lai của Nghị định thư Kyoto. Giai đoạn đầu của Nghị định thư này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2012. Các đại biểu đề cập đến việc làm thế nào để thúc đẩy tài chính giúp những nước nghèo thích ứng với một hành tinh đang nóng hơn, trong khi các nước phát triển vật lộn với nợ công.

Trung Quốc, nước thải carbon nhiều nhất thế giới, có thể ký thỏa thuận mang tính chất ràng buộc để cắt giảm lượng khí thải. Song, Bắc Kinh đưa ra điều kiện rằng, các nước gây ô nhiễm lớn khác cũng phải tham gia, đồng thời nguồn tài chính xuất phát từ Quỹ Khí hậu Xanh.

Tại Mỹ, vấn đề môi trường gây tranh cãi giữa Tổng thống Barack Obama và Đảng Cộng hòa. Thượng viện vốn không thông qua dự luật khí hậu vào năm ngoái sẽ ngăn chặn bất kỳ thỏa thuận nào làm sống lại Nghị định thư Kyoto. Một trong những vấn đề bất đồng là ranh giới giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển đã thay đổi và tất cả những quốc gia có khí thải lớn nên bình đẳng trong một thỏa thuận mới.
Ấn Độ, nước thải carbon lớn thứ ba thế giới, cũng tuyên bố không sẵn sàng cho thỏa thuận ràng buộc mới. New Delhi cho rằng, nước này không phát triển kinh tế mạnh như Trung Quốc nên không thể bị áp đặt các mục tiêu cắt giảm khí thải.

Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nước nhỏ hơn và đang phát triển muốn sớm bắt đầu đối thoại về thỏa thuận toàn cầu mới. Theo đó, đến năm 2020, các nước này sẽ cắt giảm 20% khí thải của mức năm 1990 theo Nghị định thư Kyoto. Một số nước giàu như Na Uy, Thụy Sĩ và Áo sẽ theo các động thái của EU; nhưng những nước khác, đặc biệt là Nhật Bản, Nga và Canada, không chấp nhận mức giảm này.

BÌNH YÊN
;
.
.
.
.
.