.

Mỹ kết thúc cuộc chiến Iraq

.

Tổng thống Barack Obama nói rằng, những binh sĩ Mỹ cuối cùng sẽ rời Iraq vào ngày 31-12 tới và đây là “thời khắc lịch sử” đối với quân đội của Washington.

Quốc kỳ Iraq được giương lên khi các binh sĩ Mỹ chuẩn bị rời khỏi Diwaniyah, cách thủ đô Baghdad của Iraq 120km về phía Nam.                                                    Ảnh: AP
Quốc kỳ Iraq được giương lên khi các binh sĩ Mỹ chuẩn bị rời khỏi Diwaniyah, cách thủ đô Baghdad của Iraq 120km về phía Nam. Ảnh: AP

Tổng thống Obama ngày 14-12 đã chào đón các binh sĩ Mỹ trở về từ Iraq và tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài trong 9 năm. Quốc kỳ của Mỹ cũng đã được hạ xuống ở thủ đô Baghdad của Iraq.

Tại doanh trại ở Fort Bragg, Bắc Carolina, Tổng thống Obama hoan nghênh lực lượng chiến đấu của Mỹ ở Iraq và hô vang lời chào mừng các binh sĩ trở về nhà. Người đứng đầu Nhà Trắng ca ngợi những người đã chiến đấu và bỏ mình tại Iraq. “Chúng ta để lại phía sau là đất nước Iraq có chủ quyền, ổn định và tự lực, với một Chính phủ đại diện, do dân bầu”, Tổng thống Obama nói, mặc dù vẫn thừa nhận “Iraq không phải là nơi hoàn hảo”.

Nhà lãnh đạo này còn khẳng định: Cuộc chiến tranh từng gây nhiều tranh cãi sẽ sớm trở thành một phần quan trọng của lịch sử, đồng thời việc rút quân về nước đánh dấu kết thúc một chương quan trọng trong lịch sử quân sự Mỹ. Bắc Carolina là nơi ông Obama giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2008 và cũng sẽ là “pháo đài” quan trọng đối với Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào năm 2012.

Tuy nhiên, cuộc chiến bắt đầu từ tháng 3-2003 nhằm lật đổ Tổng thống Saddam Hussein tính đến nay đã cướp đi sinh mạng của gần 4.500 binh sĩ Mỹ và hơn 100.000 người Iraq cùng 30.000 người Mỹ bị thương trong tổng số 1,5 triệu người Mỹ chiến đấu, làm việc tại xứ sở giàu dầu mỏ này. Song, dù cho rằng những con số không phản ánh toàn bộ câu chuyện về Iraq, nhưng ông Obama đề cập đến “cái giá to lớn” của cuộc chiến. Qua đó, Mỹ phải rút ra những bài học từ cuộc xung đột vốn gây bất đồng sâu sắc trên chính trường Washington và thế giới.

Theo CNN, phát biểu của Tổng thống Obama đánh dấu việc thực hiện những gì cam kết trong chiến dịch tranh cử vào năm 2008. Khoảng 5.500 lính còn lưu lại sẽ rút dần và đến ngày 31-12, tất cả binh sĩ Mỹ sẽ rời khỏi Iraq, chỉ để lại gần 200 quân nhân thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Washington vẫn tiếp tục trợ giúp dân sự cho Iraq trong lúc nước này đối mặt với tương lai chưa ổn định, thậm chí bộ máy Nhà nước cũng chưa ổn định.

Hãng Reuters cho biết, khoảng 2.000 người dân Iraq đã đổ xuống đường ở thành phố Falluja, cách thủ đô Baghdad 60km về phía Tây, đốt quốc kỳ Mỹ và giơ cao những khẩu hiệu ăn mừng việc quân đội Mỹ rút về nước.

Tuy nhiên, quyết định rút quân của ông chủ Nhà Trắng đã không nhận được sự đồng thuận từ phía Đảng Cộng hòa. Một số nghị sĩ cho rằng, ông Obama đang để lại một đất nước Iraq bất ổn, có thể làm tổn hại đến những lợi ích của Mỹ và quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng từ nước láng giềng Iran. Thăm dò do hãng AP-GfK thực hiện cho thấy, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Obama hiện hơn 50%. Còn theo thăm dò do kênh truyền hình ABC News và Báo Washington Post thực hiện, tỷ lệ ủng hộ ông Obama giảm còn 48%, trong khi 49% số người không đồng tình với nhà lãnh đạo Mỹ.

Theo giới phân tích về Trung Đông, phải mất nhiều năm nữa mới có thể rút ra những bài học lịch sử rõ ràng về cuộc chiến tranh Iraq, vốn được khơi mào dưới thời người tiền nhiệm của ông Obama, cựu Tổng thống G.W.Bush, với mục tiêu chống khủng bố. Nhưng với kế hoạch kết thúc sứ mệnh chiến đấu và rút quân vào cuối năm nay, Mỹ đang chấp nhận “tay trắng”.

Sau 9 năm kể từ khi Tổng thống Hussein bị lật đổ, Iraq vẫn đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó có vấn đề bạo lực và một nền kinh tế bấp bênh cần được sự đầu tư từ bên ngoài ở hầu hết mọi lĩnh vực. Bạo lực tuy đã giảm nhiều so với giai đoạn cao điểm vào năm 2006-2007, nhưng các vụ đánh bom hằng ngày, các vụ tấn công, ám sát vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với người dân Iraq và phủ bóng đen lên triển vọng thu hút đầu tư. Các công ty dầu lớn nước ngoài đang hỗ trợ Iraq phát triển nguồn dự trữ dầu lớn thứ tư thế giới. Các nhà chức trách Iraq đã bắt đầu đề cập đến mục tiêu 8 triệu thùng dầu/ngày.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.