.

Mỹ, Myanmar hội đàm lịch sử

.

Tổng thống Myanmar Thein Sein đã hoan nghênh chương mới trong quan hệ với Mỹ khi gặp gỡ Ngoại trưởng Hillary Clinton tại thủ đô Naypyidaw.

 

Mô tả ảnh.
Tổng thống Thein Sein chào đón bà Hillary Clinton. Ảnh: AP

 

Là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến Myanmar trong 50 năm qua, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã khích lệ những thay đổi chính sách thời gian gần đây của quốc gia châu Á này sau nhiều thập niên bị cô lập.

Tổng thống Myanmar Thein Sein gọi chuyến công du của bà Clinton là “cột mốc”, mở ra chương mới trong quan hệ song phương. Là cựu tướng lĩnh quân đội, ông Thein Sein hiện đi đầu trong những cải cách ở Myanmar. Hãng Reuters cho hay, hàng loạt cải cách của Myanmar, trong đó có việc phóng thích nhà lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, vào tháng 11 năm ngoái đang tạo ra những đồn đoán rằng có thể kết thúc việc nước này bị cô lập. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhấn mạnh dường như không có bất kỳ tuyên bố quan trọng nào sẽ được đưa ra trong chuyến công cán lịch sử của bà Clinton. Nữ Ngoại trưởng cũng nói rằng, còn quá sớm để khẳng định về việc kết thúc cấm vận đối với Myanmar bởi động thái này cần được Quốc hội Mỹ thông qua. Cũng theo các quan chức Mỹ, nội dung chính trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Clinton với người đồng cấp chủ nhà Wunna Maung Lwin là mối quan hệ giữa Myanmar với CHDCND Triều Tiên, quốc gia đang chịu cấm vận của Liên Hợp Quốc và Mỹ vì theo đuổi vũ khí hạt nhân. Washington vốn quan ngại về những nỗ lực của Myanmar để có được công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Clinton cũng sẽ đến Yangon, trung tâm thương mại của Myanmar và gặp gỡ bà Suu Kyi.

Myanmar vốn do các nhà quân sự điều hành từ năm 1962, nhưng cuộc bầu cử vào năm ngoái đã mang lại cho đất nước 60 triệu dân này một Chính phủ dân sự. Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) tẩy chay cuộc bầu cử vào năm ngoái nhưng nay chính thức đăng ký để trở lại là một đảng chính trị và bà Suu Kyi cũng xác nhận sẽ tham gia bầu cử sắp tới.

Sự hiện diện của bà Clinton tại Myanmar diễn ra sau khi Tổng thống Barack Obama có chuyến công du châu Á và đưa ra những cam kết thúc đẩy quan hệ của Mỹ đối với khu vực đang nổi lên này. Với riêng Myanmar, Mỹ có thể từng bước tăng dần viện trợ cho Myanmar và chỉ định một đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới này. Trong lúc đó, báo chí Trung Quốc đã phản ứng tức giận với việc bà Clinton đến Myanamar mặc dù giới quan sát gọi đây chỉ đơn thuần là chuyến đi thăm dò cải thiện quan hệ. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, động thái của Mỹ là một trong những nỗ lực của Washington nhằm cô lập và bao vây Bắc Kinh. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố nước này không lo lắng khi Mỹ muốn thu hẹp khoảng cách với Myanmar. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Myanmar, nhất là ở lĩnh vực năng lượng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.