.

Ông Kim Jong-un đứng đầu Đảng Lao động

.

Báo chí CHDCND Triều Tiên ngày 26-12 đã gọi Đại tướng Kim Jong-un là người đứng đầu Ủy ban Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền. Theo AP, vị trí này mang lại cho ông Kim Jong-un, con trai út của cố Chủ tịch Kim Jong-il, quyền lực ở một trong những cơ quan có quyền quyết định cao nhất.

Cựu đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Lee Hee-ho (trái) và Chủ tịch Tập đoàn Huyndai Hyun Jeong-eun đến Bình Nhưỡng.                                                                                 Ảnh: Reuters
Cựu đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Lee Hee-ho (trái) và Chủ tịch Tập đoàn Huyndai Hyun Jeong-eun đến Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters

Báo Rodong Sinmun của CHDCND Triều Tiên cho biết, các binh sĩ nước này đang được kêu gọi bảo vệ Ủy ban Trung ương Đảng với người đứng đầu là Đại tướng Kim Jong-un. Vị Đại tướng 27 tuổi đã được ông Kim Jong-il chọn làm người kế nhiệm từ năm ngoái để lãnh đạo đất nước có 24 triệu dân. Cũng trong năm 2010, ông Kim Jong-un được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Lao động. Báo Rodong Sinmun còn gọi Đại tướng Kim Jong-un là “Mặt trời của thế kỷ 21” và kêu gọi người dân CHDCND Triều Tiên ủng hộ nhà lãnh đạo trẻ này.

Các khẩu hiệu mà báo chí CHDCND Triều Tiên sử dụng đề nghị bổ nhiệm ông Kim Jong-un là Tổng Bí thư Đảng Lao động. Đây là vị trí cao nhất trong đảng cầm quyền và cũng là một trong những vị trí hàng đầu của đất nước.    

Cũng trong ngày 26-12, tổng cộng 18 người dân Hàn Quốc chia thành 2 phái đoàn đã băng qua thành phố biên giới Kaesong thuộc vùng phi quân sự trong chuyến đi 2 ngày đến Cung Tưởng niệm Kumsusan tại thủ đô Bình Nhưỡng, nơi đặt linh cữu của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Hai phái đoàn này do bà Lee Hee-ho, cựu phu nhân của Tổng thống Kim Dae-jung, và Chủ tịch Tập đoàn Huyndai Hyun Jeong-eun dẫn đầu để viếng ông Kim Jong-il. Hàn Quốc chỉ cho phép 2 phái đoàn đến viếng và chia buồn với CHDCND Triều Tiên sau khi ông Kim Jong-il qua đời vào ngày 17-12. Điều này đã khiến Bình Nhưỡng tức giận và cảnh báo rằng, sự cản trở của Seoul sẽ dẫn đến “hậu quả thảm khốc” trong quan hệ giữa 2 nước.  

Trong một thông điệp, cựu đệ nhất phu nhân Lee Hee-ho bày tỏ hy vọng chuyến đi CHDCND Triều Tiên của bà sẽ hỗ trợ thúc đẩy quan hệ giữa Seoul với Bình Nhưỡng. Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Choi Bo-sun mong muốn động thái của Seoul sẽ dẫn đến sự hòa giải và hợp tác liên Triều. Căng thẳng giữa 2 miền Nam - Bắc trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953 đến nay vẫn chưa được tháo gỡ, nhất là sau 2 vụ tấn công của CHDCND Triều Tiên đối với nước láng giềng Hàn Quốc vào năm ngoái.

Seoul đã chia sẻ với Bình Nhưỡng về sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-il và cho phép các cá nhân cũng như các tổ chức gửi điện chia buồn. Tuy nhiên, Seoul không mở rộng các phái đoàn dân sự đến viếng tang, ngoại trừ một đoàn gồm 15 người do bà Lee Hee-ho (89 tuổi) và một đoàn gồm 5 người do bà Hyun Jeong-eun (56 tuổi) dẫn đầu đến CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã tuyên bố chấp nhận tất cả các phái đoàn đến viếng từ quốc gia miền Nam, nhưng lại loại trừ sự hiện diện của bất kỳ phái đoàn nước ngoài nào khác.  

Cả cựu đệ nhất phu nhân Lee Hee-ho và Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Hyun Jeong-eun đều có quan hệ với Bình Nhưỡng. Cựu Tổng thống Kim Dae-jung từng có hội nghị lịch sử với Chủ tịch Kim Jong-il vào năm 2000. Ông Kim Dae-jung cũng được trao giải Nobel Hòa bình vì các nỗ lực hòa giải 2 miền Triều Tiên. Còn ông Chung Mong-hun, cựu Chủ tịch Tập đoàn Hyundai, chồng của bà Hyun Jeong-eun, đã đẩy mạnh các dự án đầu tư vào miền Bắc thông qua tập đoàn này.

Năm 1994, Hàn Quốc không chia buồn cũng không cử các phái đoàn chính thức đến viếng sau khi cha của ông Kim Jong-il, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành qua đời.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.