Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng, việc người biểu tình Iran xông vào 2 cơ sở ngoại giao của London tại Tehran để phản đối các biện pháp cấm vận mới về kinh tế là “thái quá và không thể bào chữa được”.
Ngày 30-11, Thủ tướng David Cameron cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng sau khi những người biểu tình tràn vào Đại sứ quán Anh tại Tehran và một cơ sở khác của London ở Qolhak. Một ngày trước đó, đám đông biểu tình đã trèo qua tường của Đại sứ quán Anh ở Tehran, cướp phá các văn phòng, đập vỡ nhiều cửa sổ và thậm chí xé quốc kỳ của quốc gia châu Âu này. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu chống Anh, yêu cầu đại sứ nước này phải rời Iran nhằm phản đối lệnh trừng phạt mà London nhằm vào ngành tài chính của Tehran. Hãng thông tấn Fars cho hay, 6 nhà ngoại giao bị cô lập trong hơn 2 tiếng đồng hồ bên trong Đại sứ quán Anh, cuối cùng cũng được giải thoát khi có sự can thiệp của cảnh sát.
Vụ tấn công diễn ra trong lúc căng thẳng ngoại giao giữa Iran và phương Tây gia tăng xung quanh các biện pháp cấm vận vì chương trình hạt nhân của Tehran. Phương Tây cho rằng, Iran đang bí mật chế tạo bom nguyên tử, trong khi quốc gia Cộng hòa Hồi giáo - nước xuất khẩu dầu lớn thứ 5 thế giới khẳng định mục đích làm giàu uranium nhằm tạo điện năng. Tuần trước, Mỹ, Anh và Canada đã công bố những biện pháp trừng phạt mới chống Iran sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo về chương trình hạt nhân của nước này.
Chủ trì cuộc họp của Ủy ban Khủng hoảng Chính phủ bàn thảo về vụ tấn công tại Tehran, Thủ tướng Cameron cho rằng, việc Chính phủ Iran không bảo vệ được các nhân viên và tài sản của phái bộ Anh là điều đáng hổ thẹn. Ông Cameron nhấn mạnh đến “những hậu quả nghiêm trọng” và tuyên bố xem xét các biện pháp đáp trả trong vài ngày tới. Hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định đây là thất bại nghiêm trọng của Chính phủ Iran mặc dù Tehran đã lên tiếng xin lỗi. Ngày 30-11, Anh đã sơ tán tất cả nhân viên ngoại giao khỏi Iran. Na Uy cũng đóng cửa Đại sứ quán tại Tehran do quan ngại về an ninh.
Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Yêu cầu Iran phải bảo vệ các nhà ngoại giao nước ngoài. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang tham dự Hội nghị tài trợ ở thành phố Busan của Hàn Quốc cũng đã chỉ trích việc người Iran đập phá Đại sứ quán Anh. Trong khi đó, tại Washington, Tổng thống Barack Obama thúc giục Iran bắt giữ những người có trách nhiệm liên quan. Tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi các nhà chức trách Iran bảo vệ tài sản và các nhân viên ngoại giao, cũng như tôn trọng đầy đủ những nghĩa vụ quốc tế.
Theo Reuters, vụ việc càng đào hố sâu ngăn cách giữa Iran với phương Tây, đồng thời tạo sự gợi nhớ về sự kiện tương tự vào năm 1979 khi những người biểu tình cũng tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tại Tehran, bắt giữ 52 con tin trong 444 ngày, khiến quan hệ ngoại giao giữa 2 nước bị cắt đứt. Ngay cả Nga, đồng minh thân thiết nhất của Iran, cũng mô tả vụ tấn công lần này là “không thể chấp nhận được và đáng bị lên án”.
Trước phản ứng của cộng đồng quốc tế, Iran đã bày tỏ sự nuối tiếc cho những hành vi của một số người biểu tình, đồng thời cam kết bảo vệ quyền ngoại giao và các cơ sở ngoại giao. Cảnh sát trưởng Tehran Hossein Sajadinia cho biết, một vài người biểu tình đã bị bắt và có thể ra hầu tòa.
THIÊN BÌNH