.
Thế giới tuần qua

Áp lực với Thủ tướng Putin

.

Cuộc bầu cử Quốc hội vào đầu tháng 12 này vẫn còn những dư âm gây áp lực cho Thủ tướng Vladimir Putin khi ông chuẩn bị ra tranh cử Tổng thống vào đầu năm tới. Dù Đảng Nước Nga Thống nhất tiếp tục giành chiến thắng, nhưng với tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng cầm quyền sụt giảm đáng kể và bị mất 25% số ghế trong Quốc hội, con đường đến Điện Kremlin của Thủ tướng Putin, nhà lãnh đạo vốn được người dân Nga yêu mến, bỗng trở nên chông chênh.

“Bộ đôi” Vladimir Putin - Dmitry Medvedev.                                                                                Ảnh: AP
“Bộ đôi” Vladimir Putin - Dmitry Medvedev. Ảnh: AP

Khoảng 28.000 người tập trung ở đại lộ Sakharov là cuộc biểu tình mới nhất diễn ra vào cuối tuần qua nhằm chống lại ông Putin. Vladimir Ryzhkov, một trong những nhà tổ chức, ước tính có đến 120.000 người tham gia, chứ không phải con số 28.000 người. Lý do để những dòng người có mặt tại trung tâm thủ đô Mátxcơva bất chấp tiết trời lạnh giá là phản đối gian lận bầu cử, mặc dù việc gian lận đã bị các nhà chức trách bác bỏ. Họ thậm chí trương những khẩu hiệu yêu cầu tổ chức bầu cử mới và một nước Nga không có ông Putin. Phe đối lập cho rằng, Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Putin đã phớt lờ yêu cầu chính của lực lượng này về một cuộc bầu cử trở lại.

Biểu tình ngày 24-12 là sự kiện tuần hành lớn nhất ở Nga trong vòng 20 năm qua. Song, người phát ngôn Dmitry Peskov của Thủ tướng Putin khẳng định đa số người dân Nga vẫn ủng hộ ông và những người biểu tình chỉ chiếm thiểu số. Ông Peskov đã bày tỏ tin tưởng rằng, người đứng đầu Chính phủ hiện tại sẽ thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tháng 3-2012.

Trong Thông điệp liên bang vào ngày 22-12, Tổng thống Medvedev đã cam kết cải cách toàn diện hệ thống chính trị Nga và cảnh báo nước ngoài không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Mátxcơva. Nhưng tuyên bố của nhà lãnh đạo Điện Kremlin không xoa dịu được làn sóng chống đối. Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin cũng mong muốn Quốc hội nên từ chức và cho phép bầu cử diễn ra. Ông Kudrin, đồng minh thân thiết của Thủ tướng Putin, quan ngại làn sóng biểu tình có thể dẫn đến bạo lực và kêu gọi đối thoại giữa Chính phủ với phe đối lập.

Với 8 năm nắm quyền Tổng thống (từ năm 2000-2008), ông Putin được xem là biểu tượng của nước Nga khi đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, GDP tăng gấp 6 lần trước đó và thực hiện các chính sách chống Hồi giáo cực đoan. “Di sản” mà ông Putin để lại tuy có những tranh cãi nhưng in dấu ấn đậm nét bóng dáng ông. Vì vậy, khi giữ cương vị Thủ tướng, giới quan sát và dư luận Nga cho rằng, ông Putin vẫn nắm quyền lực và có sức ảnh hưởng lớn trên chính trường quốc gia này.

Dự kiến sẽ nắm quyền trở lại suốt 2 nhiệm kỳ 12 năm, kể từ năm tới, ông Putin sẽ phải vượt qua phép thử lần này: những cuộc tuần hành quy mô lớn trong hòa bình. Song, đây không những là phép thử cho cá nhân ông mà còn cho cả Tổng thống Medvedev, bởi trong năm 2012, cả hai sẽ hoán đổi vị trí cho nhau. Ông Putin cần sự ủng hộ của cử tri trên đường trở về Điện Kremlin, còn ông Medvedev cần sự ủng hộ cho chiếc ghế đứng đầu Chính phủ.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.