.
Thế giới tuần qua

Thỏa thuận muộn cứu trái đất

.

Lần đầu tiên Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) lần thứ 17 (COP 17) đã buộc tất cả các nước gây ô nhiễm lớn nhất phải hành động để giảm khí thải tạo hiệu ứng nhà kính.

Biểu tình tại Durban với các khẩu hiệu: “Không giết châu Phi”, “Công bằng và hành động”...        							           Ảnh: AP
Biểu tình tại Durban với các khẩu hiệu: “Không giết châu Phi”, “Công bằng và hành động”... Ảnh: AP

Thỏa thuận về lộ trình chống biến đổi khí hậu được đưa ra vào ngày 11-12 tại Durban (Nam Phi) sau quá nhiều lần thất bại, thậm chí bế tắc. Nếu Hội nghị kết thúc vào ngày 9-12 và các đại biểu “tay trắng” khăn gói về nước đúng theo kế hoạch, Durban năm nay sẽ không có bước đột phá nào, cũng như Copenhagen (Đan Mạch) và Cancun (Mexico) trước đây, đồng thời Nghị định thư Kyoto sẽ chết yểu khi giai đoạn một của nó kết thúc vào năm 2012. Gần 2 ngày kéo dài đã mang lại một thỏa thuận muộn nhưng le lói hy vọng cho trái đất. Nỗ lực của LHQ với chương trình nghị sự đầy kịch tính đã được đền đáp. Theo đó, một lộ trình đến năm 2015 đã được vạch ra để yêu cầu các nước có khí thải lớn phải tuân theo một khuôn khổ pháp lý và thỏa thuận này sẽ có hiệu lực chậm nhất vào năm 2020.  

Tính đến nay, các giải pháp nhằm kiểm soát khí thải carbon đã thất bại. Hiện tại, chỉ 37 nước công nghiệp mới phải tuân thủ các mục tiêu cắt giảm khí thải mang tính ràng buộc theo Nghị định thư Kyoto. Trong khi đó, đối với các nước đang phát triển, định chế này chỉ mang tính tượng trưng. Các cam kết của những nước phát triển sẽ hết hiệu lực vào năm tới nhưng nay được gia hạn thêm 5 năm nữa. Theo nghiên cứu được công bố tại Durban, trái đất đang tăng 3,5 độ C, với hạn hán, bão lụt và mực nước biển gia tăng đe dọa đến hàng chục triệu người.      

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon mô tả thỏa thuận vào giờ phút cuối là bước tiến quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane cho rằng, thỏa thuận tại Durban tuy chưa hoàn hảo nhưng có thể góp phần giúp thế giới ứng phó với biển đổi khí hậu. Song, các nhà đàm phán vẫn còn tranh luận về câu chữ của nhiều mục thuộc lĩnh vực công nghệ cao trong gói thỏa thuận, bao gồm các mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, những quy định về thống kê rừng, chuyển đổi công nghệ xanh, cơ chế quản lý Quỹ Khí hậu Xanh… Những người chỉ trích cũng cho rằng, kế hoạch hành động vừa được thống nhất không đủ mạnh để làm chậm tốc độ ấm nóng của toàn cầu.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất việc cắt giảm khí thải vào năm 2015 với sự tham gia của tất cả các nước gây ô nhiễm nhiều trên thế giới. Thỏa thuận do EU đề xuất sẽ cắt giảm 20% lượng khí thải toàn cầu và có hiệu lực từ năm 2020. Tuy nhiên, đề xuất không được nhiều quốc gia ủng hộ, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Washington muốn tất cả các nước gây ô nhiễm lớn cùng đưa ra cam kết tương tự thì Mỹ mới cắt giảm lượng khí thải bắt buộc. Bắc Kinh và New Delhi cũng muốn  bảo đảm rằng, dù có những cái bắt tay nồng ấm trong cuộc chiến chống thiên tai, gói thỏa thuận sẽ không cản trở phát triển kinh tế. Hai quốc gia châu Á còn cho rằng, sẽ không công bằng nếu nước đang phát triển cũng cắt giảm khí thải ngang với mức của Mỹ và phương Tây.

Dẫn đầu nhóm chống đối, Ấn Độ muốn giảm tính ràng buộc pháp lý trong một văn bản mới thay thế Nghị định thư Kyoto. New Delhi kiên quyết chỉ đồng ý cắt giảm khí thải sau năm 2020. Tuy nhiên, EU và nhiều nước dễ bị tổn thương do khí hậu cho rằng, thời điểm sau năm 2020 là quá muộn trong khi nước biển dâng sẽ nhấn chìm các hòn đảo thấp.

Với thỏa thuận muộn màng mang tính đột phá, Durban đã được cứu. Nhưng trái đất có được cứu hay không thì phải trông chờ vào những chặng đường tiếp theo. Sẽ thật khó để tất cả các nước vừa cùng bắt tay cắt giảm khí thải, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa tạo sự hài hòa giữa những nước phát triển và những nước đang phát triển.  

VĨNH AN
 

;
.
.
.
.
.