Tổng thống Syria Bashar Assad khẳng định ông có được sự ủng hộ của người dân nước này, bất chấp sức ép trừng phạt từ phía Mỹ và phương Tây.
Người dân Syria ủng hộ Tổng thống Assad. Ảnh: AP |
Trả lời phỏng vấn kênh ABC tại thủ đô Damascus, Tổng thống Assad nói rằng, ông không bao giờ ra lệnh thảm sát hàng nghìn người biểu tình trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 9 tháng ở quốc gia này. “Tôi đã nỗ lực hết sức để bảo vệ người dân”, Tổng thống Assad khẳng định. Ông cho rằng, không Chính phủ nào trên thế giới lại đi sát hại người dân của mình.
Theo AP, cuộc phỏng vấn của ABC đối với Tổng thống Assad mở ra một góc nhìn về nhà lãnh đạo 46 tuổi, người đã kế nhiệm cha mình nắm quyền ở Syria vào năm 2000. Người đứng đầu Syria nhấn mạnh đến sự tách bạch giữa ông và quân đội rằng, lực lượng an ninh thuộc về Chính phủ chứ không thuộc về cá nhân ông. “Họ là lực lượng của Chính phủ. Tôi không sở hữu họ. Tôi là Tổng thống. Tôi không sở hữu đất nước này nên họ không phải là lực lượng của tôi”, ông Assad nói.
Tổng thống Syria cũng bác bỏ số người thiệt mạng lên đến hơn 4.000 người như báo cáo của Liên Hợp Quốc. Ông thậm chí cho rằng, tổ chức quốc tế này không phải là một thể chế đáng tin cậy và hầu hết những người chết là lực lượng ủng hộ Chính phủ chứ không phải là phe chống đối. Trong cuộc phỏng vấn, ông Assad tỏ ra không hề nao núng khi nói về sức ép của quốc tế. Theo ông, Syria đã chịu lệnh trừng phạt suốt từ 30-35 năm qua, song điều khiến ông lo sợ là mất sự ủng hộ của dân chúng.
Các cường quốc phương Tây cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan đang kêu gọi Tổng thống Assad từ chức. Bassma Kodmani, thành viên thuộc Hội đồng dân tộc Syria (SNC), cho hay nhóm này sẽ đệ trình kế hoạch chuyển giao quyền lực hòa bình trong vài ngày tới.
Biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Arab (AL) và Thổ Nhĩ Kỳ đang gây sức ép lên nền kinh tế Syria. Tuy có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Syria nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vừa công bố áp thuế 30% đối với hàng hóa nhập từ nước láng giềng này. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt chống lại Tổng thống Assad như ngừng giao dịch với Chính phủ và Ngân hàng Trung ương cũng như phong tỏa tài sản của Chính phủ Syria tại Ankara. AL cũng đe dọa đưa ra những biện pháp trừng phạt mới nếu ông Assad không cho phép sự hiện diện của các quan sát viên. Ban đầu, Syria từ chối yêu cầu này nhưng cuối cùng đã đồng ý để AL kết thúc cấm vận. 54 pound Syria (SYP) hiện tương đương với 1 USD, tỷ giá giảm 17% kể từ khi cuộc biểu tình bùng nổ ở quốc gia Trung Đông này và đây cũng là mức tỷ giá thấp nhất trong nhiều năm qua. Người dân ở Damascus cho biết, trên “thị trường chợ đen”, 58 SYP mới đổi được 1 USD. Theo AP, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế đang bao phủ bóng đen lên Syria và đe dọa Chính phủ của ông Assad.
Đầu tuần này, Mỹ và Pháp đã đưa đại sứ trở lại Syria sau khi rút các quan chức ngoại giao về nước do lo ngại an ninh. Trong khi đó, Nga vẫn phản đối việc phương Tây can thiệp vào nội bộ Syria. Nga và Trung Quốc từng dùng quyền phủ quyết để bác dự thảo Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Syria, một Nghị quyết vốn không loại trừ khả năng phương Tây can thiệp quân sự vào đất nước này. Cả Mátxcơva lẫn Bắc Kinh đều quan ngại rằng, việc “thọc tay” từ bên ngoài sẽ có thể lặp lại kịch bản Libya tại Syria.
THIÊN BÌNH