.

Châu Á chia rẽ vì Iran

.

Việc Mỹ và châu Âu áp đặt trừng phạt chống Iran khiến 4 nền kinh tế lớn nhất châu Á (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc) cảm thấy khó khăn khi cân bằng giữa quan hệ chính trị với lợi ích kinh tế.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (giữa) đến thăm nhà máy lọc dầu Abadan vào tháng 5-2011.                          Ảnh: AFP
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (giữa) đến thăm nhà máy lọc dầu Abadan vào tháng 5-2011. Ảnh: AFP

Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới, vốn phản đối việc áp đặt trừng phạt với Iran hiện chưa đưa ra bất kỳ quyết định mới nào về việc giảm lượng dầu nhập từ đối tác vùng Vịnh, mặc dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã đến Bắc Kinh để bàn thảo về vấn đề này và tìm kiếm đồng minh. Trong khi đó, Ấn Độ khẳng định vẫn tiếp tục các mối quan hệ với Tehran. Riêng Nhật Bản đã công bố giảm nhập khẩu dầu của Iran. Giới quan sát cho rằng, Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, có thể theo bước chân Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chống lại Tehran. Sự khác biệt trong động thái của 4 “ông lớn” châu Á sẽ tạo ra ảnh hưởng đối với thị trường dầu mỏ của thế giới lẫn khu vực.

Theo các nhà phân tích, mọi sự tập trung trong việc ứng xử với Iran lúc này dường như dồn vào Trung Quốc. Bắc Kinh là khách hàng lớn nhất của Iran ở châu Á, chiếm 20% lượng dầu xuất khẩu của Tehran. Vì vậy, bất kỳ sự cắt giảm nào của Trung Quốc cũng có thể làm tổn thương Iran. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, Bắc Kinh sẽ không quay lưng với đối tác mặc dù Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có kế hoạch công du Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Qatar, 2 nước xuất khẩu lớn thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), như một động thái đảm bảo nguồn cung lâu dài.

Ông Stephen Joske ở Cơ quan Tình báo Kinh tế, tổ chức của Tạp chí The Economist, gọi đây là “tình huống phức tạp” bởi sự liên quan giữa chính trị và kinh tế. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng trong những năm gần đây đã buộc Trung Quốc phải gia tăng nhu cầu dầu thô. Thậm chí, Tập đoàn Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư và chứng khoán toàn cầu, dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới trong 1,5 năm tới. Song, Bắc Kinh cũng tính đến sự hài hòa trong quan hệ chính trị với Washington nhưng sẽ không theo sự “định hướng” của “người khổng lồ” từ bên kia bờ Đại Dương.  

Trong khi đó, Ấn Độ cũng là khách hàng lớn về dầu thô của Iran ở châu Á và có quan hệ chính trị gần gũi với Mỹ. Tuy nhiên, giới chức New Delhi có thể theo Bắc Kinh hơn là đứng về phía Washington trong vấn đề Iran. Bởi lẽ thực tế, quan hệ giữa New Delhi với Tehran rất nồng ấm và Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh sẽ không phá vỡ nền tảng này.

Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Hàn Quốc Hong Suk-woo khẳng định: Vẫn còn quá sớm để Seoul công bố cắt giảm lượng dầu nhập từ Iran. Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 20% sản lượng dầu xuất khẩu của Tehran nên việc cắt giảm của Seoul và Tokyo sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn. Nhưng giới quan sát lại cho rằng, 2 nước ở Đông Bắc Á này sẽ thay đổi động thái, chỉ cắt giảm vừa phải, đủ để tìm các nguồn khác thay thế. Nhất là với Nhật Bản, quyết định giảm lượng dầu nhập khẩu sẽ mang đến những hệ lụy bởi thảm họa động đất, sóng thần vào năm ngoái đã khiến các nhà máy năng lượng hạt nhân bị đóng cửa, Tokyo phải chuyển hướng sang sử dụng các nhà máy nhiệt điện nên nhu cầu dầu mỏ tăng cao. Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trước khi chính thức có quyết định trong quan hệ dầu mỏ với Iran.

Các nước châu Á đang muốn tìm nguồn cung thay thế từ Arab, nhưng các quốc gia Arab lại vấp phải cảnh báo của Iran rằng, nếu họ “bật đèn xanh” thì sẽ gánh chịu những hậu quả, trong đó có việc đóng cửa eo biển Hormuz. Dù Iran giữ lập trường cứng rắn nhưng căng thẳng vùng Vịnh đã khiến giá dầu thô đột biến trong những tuần gần đây và sẽ tác động đến nền kinh tế Tehran trong lúc nước này chuẩn bị bầu cử Quốc hội vào tháng 3 tới.

VĨNH AN
 

;
.
.
.
.
.