.

Châu Âu quan ngại, kỳ vọng về năm 2012

.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cảnh báo về những khó khăn trong năm 2012 khi nhiều nhà kinh tế học dự đoán suy thoái sẽ diễn ra. Song, nhiều quốc gia, trong đó có Hy Lạp, chào đón năm mới với tràn đầy hy vọng.

Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos (thứ hai, từ trái qua) và Thị trưởng Giorgos Kaminis  (bìa trái) bày tỏ niềm vui khi một phụ nữ vô gia cư (bìa phải) được nhận bữa ăn đầu năm mới tại Athens.                                                                                                                        Ảnh: Reuters
Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos (thứ hai, từ trái qua) và Thị trưởng Giorgos Kaminis (bìa trái) bày tỏ niềm vui khi một phụ nữ vô gia cư (bìa phải) được nhận bữa ăn đầu năm mới tại Athens. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận châu Âu đang đứng trước thách thức nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua. Phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia, bà Merkel khẳng định mặc dù kinh tế Đức tương đối ổn định, nhưng khó khăn trong năm 2012 sẽ nhiều hơn so với năm 2011. Theo bà, con đường để vượt qua khủng hoảng nợ vẫn còn dài, nhưng khi tiến tới cuối con đường này, châu Âu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn so với khi bắt đầu đối mặt với khủng hoảng. Là nhà lãnh đạo đã nỗ lực để cứu châu lục già cỗi thoát khỏi suy thoái, bà Merkel vẫn kiên quyết bảo vệ đồng euro. Bà cho rằng, đồng euro khiến cuộc sống thường nhật trở nên tiện dụng hơn và nền kinh tế châu Âu cũng vững mạnh hơn. “Nếu đồng euro không tồn tại, có lẽ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã gây hậu quả nặng nề hơn”, Thủ tướng Merkel nói.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, đồng minh thân thiết của bà Merkel trong cuộc chiến chống sự sụp đổ của đồng euro, quan ngại khủng hoảng ở châu Âu vẫn chưa kết thúc. Ông Sarkozy sẽ gặp gỡ bà Merkel vào đầu tháng 1 này để thúc đẩy thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU) đạt được hồi tháng 12 năm ngoái về một gói tài chính mới.

Tổng thống Giorgio Napolitano của Ý, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực sử dụng đồng euro, kêu gọi người dân hy sinh lợi ích của bản thân để ngăn chặn sự sụp đổ tài chính. Năm 2011 đánh dấu bước lùi của Ý khi rơi vào khủng hoảng nợ công và nhất là làn sóng quan ngại việc Rome sẽ theo “vết xe đổ” của Hy Lạp. Thủ tướng Silvio Berlusconi đã phải từ chức, mở đường cho Chính phủ kỹ trị do nhà kinh tế Mario Monti lãnh đạo. Song, ông Monti cũng phải xoay xở với bài toán nợ công của Ý. Theo Tổng thống Napolitano, sự hy sinh sẽ không vô ích nếu kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại.   

Các chuyên gia kinh tế đã dự đoán suy thoái sẽ lại xảy ra với châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2012. Thực tế, chi phí vay mượn đối với một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong đó có Ý và Tây Ban Nha, gia tăng trong những tháng gần đây bởi những quốc gia hoặc tổ chức cho vay quan ngại các Chính phủ không đủ khả năng trả nợ.

Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cũng cảnh báo về những khó khăn trong năm nay. Tuy nhiên, hãng Tân Hoa Xã cho hay, đất nước tâm điểm của khủng hoảng nợ châu Âu trong năm 2011 đã chào đón năm mới với hy vọng suy thoái kinh tế sẽ chấm dứt. Tân Thủ tướng Papademos mượn bài phát biểu chào năm mới của ông để chuyển tải thông điệp kêu gọi người dân đoàn kết vượt qua khủng hoảng. Theo dự báo, năm 2012 vẫn là năm chất chồng khó khăn không những với Hy Lạp mà còn với Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư của khu vực đồng euro. Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria nói rằng, các giải pháp thắt lưng buộc bụng vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng bởi Chính phủ phải tiết kiệm ngân sách hơn 35 tỷ euro trong năm 2012.

Từ ngày 1-1-2012, Đan Mạch trở thành Chủ tịch luân phiên của EU. Đan Mạch, quốc gia không sử dụng đồng euro, đã tuyên bố quyết tâm giải quyết khủng hoảng nợ, mang lại tương lai tươi sáng cho lục địa già nua. Còn Thủ tướng David Cameron cho rằng, năm 2012 sẽ là “năm để Anh nhìn thấy thế giới và thế giới nhìn thấy Anh”.

Châu Âu bước vào năm mới với sự dè dặt khi những vấn đề của năm cũ vẫn chưa được tháo gỡ. Hiệu ứng domino từ nợ công nhiều khả năng tiếp tục xảy ra. Đồng euro vẫn đứng bên bờ vực mong manh. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, đồng euro có thể trở thành đồng tiền hàng đầu thế giới trong 10 năm tới nếu các nhà lãnh đạo của khối thắt chặt sự thống nhất về tài khóa, vén bức màn u ám một cách bền vững cho khu vực này.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.