.

EU cấm nhập dầu từ Iran

.

Liên minh châu Âu (EU) muốn tạo áp lực cho Iran xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi.

Iran đã thử tên lửa Ghader trong cuộc tập trận trên biển Oman ngày 2-1.               Ảnh: AP
Iran đã thử tên lửa Ghader trong cuộc tập trận trên biển Oman ngày 2-1. Ảnh: AP

Việc EU cấm nhập khẩu dầu từ Iran sẽ được công bố tại Hội nghị các Ngoại trưởng liên minh vào cuối tháng 1 này. Sự trừng phạt của phương Tây nhằm vào Iran diễn ra khi chỉ còn vài tháng nữa quốc gia Hồi giáo này tiến hành bầu cử.

Cấm vận của EU cùng với các biện pháp tài chính của Mỹ hình thành nên chiến dịch của phương Tây chống lại Iran. Theo Reuters, Iran khẳng định chương trình hạt nhân hoàn toàn phi quân sự nhưng phương Tây vẫn cáo buộc Tehran hướng đến việc tạo bom nguyên tử. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) vào tháng 11-2011 càng khơi thêm căng thẳng và áp lực cho Iran. Khả năng đạt được hòa bình trong đàm phán rất mong manh bởi các cuộc đối thoại giữa các cường quốc phương Tây với Tehran đã đổ vỡ cách đây một năm.

Cuối tháng 12 năm ngoái, các đặc sứ EU cũng đã thương thảo với Iran nhưng không xoa dịu được phản ứng của các cường quốc thuộc liên minh già cỗi này mặc dù Hy Lạp nhập khẩu 1/3 lượng dầu thô từ Tehran, Tây Ban Nha và Ý cũng là những đối tác mua hàng lớn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland gọi các động thái của EU là bước đi không chỉ xuất phát từ những đồng minh thân thiết của Washington mà còn sẽ đến từ các nước trên khắp thế giới. Theo bà Nuland, việc cấm vận là “chiếc thòng lọng” tròng vào kinh tế Iran. Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng, thị trường dầu thô toàn cầu sẽ không bị phá vỡ. Ông Geithner sẽ đến Trung Quốc và Nhật Bản vào tuần tới để thảo luận các biện pháp trừng phạt Iran.

Lệnh cấm trên sẽ buộc Iran đi tìm các đối tác mua dầu khác nhưng khó có nơi tiêu thụ nào thay thế được EU, thị trường lớn thứ hai về dầu thô của Tehran (chỉ xếp sau Trung Quốc). Các nước EU mua khoảng 450.000 thùng dầu/ngày trong tổng số 2,6 triệu thùng dầu xuất khẩu của Iran. Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Ý Mario Monti nói rằng, nước này sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Iran.

Tuy nhiên, Iran không hề tỏ ra bối rối. “Chúng tôi có thể dễ dàng tìm được các nhà tiêu thụ thay thế EU”, Giám đốc Công ty Dầu quốc gia Iran S. M. Qamsari nói. Theo giới phân tích, riêng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ cũng đã tạo khó khăn cho Iran trong việc giữ được khách hàng và có thể dẫn đến việc nước này phải hạ giá thành dầu thô, làm ảnh hưởng đến doanh thu. Ngay cả Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Iran, đã cắt giảm hơn 1/2 đơn hàng dầu từ quốc gia Trung Đông trong tháng này. Trong khi đó, Tân Hoa xã bình luận: Việc trừng phạt không chỉ gây khó khăn cho Iran mà còn cho thế giới và thậm chí khi EU ngừng giao dịch dầu thô, Tehran sẽ sớm tìm được khách hàng ở thị trường quốc tế.

Thực tế, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran trong nhiều năm qua nhưng không mang lại hiệu quả. Song, giải pháp lần này trực tiếp tác động đến ngành Công nghiệp dầu - lĩnh vực chiếm 60% nền kinh tế của Iran. Hầu hết các chuyên gia, thương nhân hy vọng Iran tìm đối tác chủ yếu từ châu Á nhưng sẽ phải giảm giá đáng kể.

Iran từng cảnh báo bất kỳ động thái nào hạn chế xuất dầu của Tehran sẽ làm tổn thương đến thị trường dầu quốc tế trong lúc kinh tế toàn cầu đang gánh chịu những tổn thương. Tháng 12-2011, Iran dọa đóng cửa eo biển Hormuz, nơi vận chuyển 40% lượng dầu thô; và ngày 3-1, Tehran tuyên bố sẽ hành động nếu tàu sân bay Mỹ USS John C Stennis trở lại Vùng Vịnh. Các nhà ngoại giao EU nhận định: Thành viên của liên minh chưa phác họa được những ảnh hưởng khi áp đặt lệnh cấm vận với Iran và các biện pháp trừng phạt này vẫn gây nhiều tranh cãi.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.