.

Hợp sức

Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và phương Tây ở Nam Á nói chung, tại  Afghanistan nói riêng đang ngày càng trở nên phức tạp, khó lường.

Hàng loạt các nhân tố xuất hiện như: Mỹ và đồng minh sẽ rút quân ở Afghanistan và kết thúc vào năm 2014, nhưng tình hình an ninh ở nước này chưa được cải thiện đáng kể; Kabul chưa ký thỏa thuận đồng minh chiến lược với NATO; mâu thuẫn giữa Mỹ với Pakistan chưa có hồi kết; Taliban ngày càng trở thành một lực lượng mạnh cả về chính trị và quân sự; Al-Qaeda chưa bị xóa sổ hoàn toàn cho dù Bin Laden đã bị tiêu diệt… Điều đó cho thấy cuộc chiến chống khủng bố kéo dài hơn 10 năm qua tại khu vực Nam Á này của Mỹ không đạt kết quả như mong muốn. Xét trên một phương diện nào đó người ta lại cho rằng, Washington đã thất bại nặng nề vì không xóa sạch Al-Qaeda, Taliban, không tạo dựng được mối quan hệ mạnh mẽ và vững chắc với các nước được cho là đồng minh chiến lược như Pakistan là ví dụ cụ thể nhất.

Trong khi đó, Taliban và Al-Qaeda đang tìm cách thu hẹp các bất đồng về mục tiêu và đối tượng để thúc đẩy cuộc chiến chống Mỹ và NATO. Mâu thuẫn lâu nay là lực lượng Taliban Afghanistan giành ưu tiên cho chống Mỹ và NATO để kiểm soát đất nước. Còn Taliban Pakistan, tuy vẫn ủng hộ Taliban Afghanistan, kể cả chi viện các chiến binh, nhưng mục tiêu là lật đổ chính quyền Islamabad. Mặt khác, nhóm Taliban Pakistan được thành lập năm 2007, đại diện cho khoảng 40 nhóm phiến quân, cũng đã bị chia rẽ trong cuộc tranh giành vị trí lãnh đạo sau khi các lãnh đạo của nhóm này bị lực lượng quân đội Pakistan và máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt. Nhóm này bị chia thành hơn 100 phe phái nhỏ. Theo các nhà phân tích, bản thân sự chia rẽ đó đã là thiệt hại đối với lực lượng Taliban chiến đấu ở Afghanistan trong các hoạt động tuyển quân và đồng thời lãnh địa hoạt động ở Pakistan cũng sẽ bị thu hẹp lại đáng kể.

Theo nguồn tin nước ngoài, Hội đồng lãnh đạo quân Taliban đã tiến hành hai cuộc họp tại vùng bộ tộc của Pakistan hồi tháng 11 và tháng 12-2011. Ehsanullah Ehsan, phát ngôn viên của lực lượng Taliban ở Pakistan cho hay lãnh đạo của lực lượng này, Hakimullah Mehsud đã tham dự hai cuộc họp vào ngày 27-11-2011 ở thành phố Wana, và ngày 11-12-2011 ở khu vực Datta Khel thuộc Pakistan. Ngoài ra, thành phần tham dự còn có nhiều chỉ huy hàng đầu của Taliban ở Pakistan, trong đó có thủ lĩnh nhóm Taliban Pakistan Hakimullah Mehsud. Thủ lĩnh cấp cao Al-Qaeda là Abu Yahya al-Libi đã tham dự cả hai cuộc gặp.

Trên một trang mạng dẫn lời của Abu Yahya al-Libi đã nói với lực lượng Taliban Pakistan trong một cuộc họp ngày 11-12-2011 rằng: “Vì Chúa, hãy quên đi những bất đồng và gửi quân cho chúng tôi để chúng tôi thúc đẩy cuộc chiến chống lại Mỹ và đồng minh ở Afghanistan”. Al-Libi đã yêu cầu lực lượng Taliban Pakistan cung cấp thêm quân cho lực lượng Taliban Afghanistan vào tháng 3, khi tuyết trong các dãy núi giữa Pakistan và Afghanistan tan và đó là lúc mùa chiến đấu bắt đầu. Ehsan, phát ngôn viên Taliban Pakistan cho hay lực lượng này đã đồng ý nhưng điều đó không có nghĩa rằng lực lượng này sẽ dừng cuộc chiến chống lại chính quyền Pakistan. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thánh chiến chống lại các lực lượng an ninh Pakistan”, Ehsan khẳng định.

Còn theo hai chỉ huy của lực lượng Taliban ở Pakistan tham gia các cuộc họp, bốn tư lệnh Pakistan cùng Haqqani đã thỏa thuận sẽ thành lập một hội đồng để giải quyết các bất đồng. Trong mấy ngày qua, một cuốn sách nhỏ được truyền tay ở khu vực Bắc Waziristan đã tuyên bố một ủy ban gồm 5 thành viên đã được thành lập và cho hay ủy ban này được thành lập sau khi đã hội chuẩn với Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (tên của Afghanistan do quân Taliban đặt). Ủy ban này kêu gọi các phiến quân Pakistan hợp tác với nhau và “tránh việc giết hại tùy tiện hay bắt cóc vô cớ” và nhấn mạnh: “Nếu bất kỳ chiến binh thánh chiến nào bị tìm thấy có liên quan đến việc giết chóc hoặc phạm tội một cách phi lý, anh ta sẽ phải đối mặt với ủy ban và sẽ chịu hình phạt của đạo Hồi”.

Sự hợp sức ngay trong nội bộ Taliban cũng như giữa Taliban với Al-Qaeda là tín hiệu không vui ngay từ đầu năm 2012 đối với Mỹ và phương Tây. Nó cho thấy cuộc chiến tại Afghanistan và vành đai lửa Pakistan sẽ trở nên khốc liệt hơn, và  nếu cuộc rút lui của Mỹ và phương Tây theo đúng kế hoạch đề ra , lại tiếp tục trắng tay như họ đã từng chấp nhận tại chiến trường Iraq.

Tuyết Minh

;
.
.
.
.
.