.

Iran mở cửa cho LHQ

.

Nhiệm vụ của các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong 3 ngày ở Iran là xác định mục đích chương trình hạt nhân của Tehran.  

Ngày 29-1, phái đoàn IAEA đã đến Iran để kiểm tra chương trình hạt nhân của nước này. Dẫn đầu phái đoàn là Phó Tổng Giám đốc IAEA Herman Nackaerts, cùng 2 chuyên gia cấp cao Jacques Baute và Neville Whiting.

Nhà máy năng lượng hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AFP
Nhà máy năng lượng hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AFP

Hãng AP dẫn lời ông Nackaerts thúc giục Iran hợp tác với phái đoàn của Liên Hợp Quốc (LHQ) xung quanh cáo buộc Tehran nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Ông Nackaerts bày tỏ mong muốn tháo gỡ những quan ngại về Iran. Còn Tehran tuyên bố sẵn sàng thảo luận bất kỳ vấn đề nào mà IAEA đề cập. Nhiệm vụ của IAEA trong 3 ngày ở Iran là tìm bằng chứng cho thấy các hoạt động của Tehran hướng đến việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân mặc dù quốc gia Hồi giáo này khăng khăng rằng, chương trình hạt nhân của họ nhằm mục đích hòa bình. Qua đó, LHQ sẽ quyết định khả năng Iran bị cô lập hay triển vọng nối lại đàm phán với các cường quốc khác. Đại sứ Iran tại IAEA Ali Asgar Soltaniyeh cũng khẳng định Tehran sẽ chứng minh bản chất hòa bình trong chương trình hạt nhân.

Chuyến công cán của các thanh sát viên diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Iran và phương Tây leo thang với các biện pháp trừng phạt của Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào ngành dầu mỏ của Tehran. Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho rằng, Iran cần phải trả lời các chất vấn của cơ quan này. Theo Hãng thông tấn IRNA, các chuyên gia sẽ thị sát cơ sở làm giàu uranium dưới lòng đất gần thành phố Qom, trao đổi với các nhà khoa học bị tình nghi làm việc cho chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời kiểm tra các tài liệu liên quan đến hạt nhân.

Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani gọi chuyến công cán của IAEA là phép thử của cơ quan thuộc LHQ. Theo ông Larijani, nếu các quan chức IAEA đi chệch hướng và trở thành công cụ cho Mỹ và phương Tây, Iran sẽ buộc phải xem xét khuôn khổ hợp tác mới. Tuần trước, EU đã chính thức công bố sẽ trừng phạt Iran trong vòng 5 tháng tới, sau khi các nền kinh tế đang gặp khủng hoảng là Hy Lạp và Tây Ban Nha tìm được nguồn cung cấp dầu thay thế.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Iran - nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sản lượng 2,2 triệu thùng dầu/ngày, trong đó khoảng 80% được xuất ra nước ngoài - đã sẵn sàng đối mặt với lệnh trừng phạt. Thậm chí, Iran đe dọa sử dụng dầu mỏ như một vũ khí nếu bị dồn vào chân tường. Trong đó, việc đóng cửa eo biển Hormuz, nơi trung chuyển hơn 20% lượng dầu giao dịch trên thế giới, đã được Tehran cảnh báo từ trước đó. Cũng theo giới phân tích, một động thái cứng rắn như thế có thể khơi mào cho giá dầu tăng 50% và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào khủng hoảng.   

Iran khẳng định: Với 18% lượng dầu cung cấp cho EU, Tehran có thể tìm các khách hàng mới thay thế. Quốc gia Hồi giáo này vẫn tuyên bố rằng, lệnh cấm vận sẽ làm tổn thương chính phương Tây hơn là gây ảnh hưởng đến Iran. Chẳng hạn, các nhà máy lọc dầu của châu Âu vào thế khó, như nhà máy Eni của Ý, nợ Iran từ 1,4 - 1,5 tỷ USD với các hợp đồng dầu mỏ trong năm 2000 và 2001.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.