.

Khủng hoảng nợ châu Âu bế tắc

.

Sau khi 9 nước bị Standard & Poor’s (S&P) hạ xếp hạng vào cuối tuần qua, đến lượt Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) cũng bị hạ từ AAA xuống AA+.

Biểu tình ở Paris (Pháp) phản đối việc S&P hạ xếp hạng của EFSF.                             Ảnh: AFP
Biểu tình ở Paris (Pháp) phản đối việc S&P hạ xếp hạng của EFSF. Ảnh: AFP

Xếp hạng của EFSF vốn dựa vào xếp hạng của các nước châu Âu. Việc S&P hạ xếp hạng của 9 nước vào cuối tuần qua, bao gồm: Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Cyprus, Bồ Đào Nha, Áo, Slovakia, Slovenia và Malta, là dấu hiệu cho thấy quỹ này không thể giữ được mức AAA. Trong đó, đáng chú ý là Pháp và Áo bị tụt hạng bởi 2 nước này là những thành viên bảo đảm hàng đầu của EFSF. Song, S&P cho rằng, quỹ giải cứu châu Âu có thể lấy lại thứ hạng nếu đạt được những bảo đảm bổ sung.

EFSF do 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu thành lập vào tháng 5-2010 và đến nay được sử dụng để cung cấp khoản vay khẩn cấp cho Ireland, Bồ Đào Nha. EFSF còn được kỳ vọng sẽ mang đến cho Hy Lạp gói giải cứu thứ hai.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin cho rằng, không cần thiết phải chống đỡ EFSF. Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi khẳng định EFSF cần thêm tiền, bởi lẽ quỹ chỉ còn khoảng 260 triệu euro sau khi giải cứu Ireland và Bồ Đào Nha, so với mức ban đầu 440 tỷ euro. Với 260 triệu euro, việc giải cứu Ý hay Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 3 và 4 của khối đồng euro, trở nên mong manh.

Đức, thành viên bảo lãnh chính của EFSF, đến nay chưa bị S&P hạ mức tín nhiệm và là nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Ngoài ra, Luxembourg, Phần Lan và Hà Lan, 3 nước lớn khác trong khu vực đồng euro, vẫn giữ được xếp hạng AAA.

Trong tuyên bố ngày 17-1, EFSF khẳng định việc hạ xếp hạng không ảnh hưởng đến khả năng cho vay và trong thời gian ngắn quỹ này sẽ trở lại mức hàng đầu của S&P. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đánh tụt tín nhiệm của EFSF có thể sẽ khiến các nhà đầu tư đòi tăng lãi suất khi mua trái phiếu của quỹ. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolai Sarkozy cho biết, cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ giữa các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Ý dự kiến ngày 20-1 sẽ bị hoãn đến tháng 2-2012.

Hãng Reuters dẫn lời giới phân tích nhận định: Động thái của S&P có thể không gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường châu Âu và thế giới nhưng sẽ phủ bóng lên cuộc khủng hoảng nợ của lục địa già cỗi, nhất là khi Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ và một hiệp định tài chính nhằm thắt chặt ngân sách vẫn chưa được ký. Cuộc đàm phán về nợ của Hy Lạp dự kiến diễn ra vào ngày 18-1 nếu thất bại sẽ chẳng khác nào đặt Athens vào hố sâu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc giục khối sử dụng đồng euro nhanh chóng thực hiện Hiệp ước tài chính mới - văn bản được các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) nhất trí thông qua vào cuối năm ngoái. Với Pháp, một trong 2 quốc gia nỗ lực hàng đầu nhằm giải cứu châu Âu, việc để tụt xếp hạng tín nhiệm tín dụng cũng sẽ khiến Paris thêm khó khăn khi xoay xở với các chính sách “thắt lưng buộc bụng” vốn không được lòng dân. Trong khi đó, Thủ tướng Úc Julia Gillard cho rằng, đây là cái giá mà các Chính phủ châu Âu phải trả do những phản ứng chậm trễ và thiếu kiên quyết.

Các lãnh đạo EU sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 30-1 tới để thảo luận về việc làm và sự tăng trưởng cũng như các vấn đề về giải cứu tài chính. Trong tương lai, nếu cả hãng Moody’s và Fitch đều hạ tín nhiệm của EFSF thì quỹ này sẽ không thể duy trì hiệu quả được nữa trừ khi chấp nhận phát hành trái phiếu tín dụng thấp hơn.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.