.

Pakistan bên bờ khủng hoảng lớn

.

Sự đối đầu giữa Chính phủ Pakistan với quân đội và tòa án có nguy cơ đẩy quốc gia Nam Á này vào cuộc khủng hoảng lớn.

Tổng thống Asif Ali Zardari (trái) và Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pakistan Ashfaq  Pervez Kayani quan sát cuộc diễn tập quân sự gần Bahawalpur, tháng 4-2010.       Ảnh: AP
Tổng thống Asif Ali Zardari (trái) và Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pakistan Ashfaq Pervez Kayani quan sát cuộc diễn tập quân sự gần Bahawalpur, tháng 4-2010. Ảnh: AP

Căng thẳng trở nên leo thang bắt nguồn từ việc Thủ tướng Yusuf Raza Gilani sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Naeem Khalid Lodhi, đồng thời chỉ trích các lãnh đạo quân đội trên phương tiện truyền thông. Ông Lodhi bị Islamabad lên án vì đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao và cho rằng, Chính phủ chỉ mang tính hành chính, chứ không điều hành quân đội. Báo chí Pakistan nhận định: Ông Lodhi bị sa thải do tạo sự hiểu nhầm giữa các cơ quan Nhà nước Pakistan. Theo Thủ tướng Gilani, người đứng đầu ngành Quốc phòng và cả lãnh đạo Cơ quan Tình báo đều vi phạm Hiến pháp. Chiến dịch tìm diệt Bin Laden của Mỹ trên lãnh thổ Pakistan vào tháng 5-2011 đã tạo ra sự rạn nứt sâu sắc giữa 2 đồng minh chống khủng bố và được cho là sự thất bại lớn của ngành tình báo quốc gia Nam Á này.

Tức giận khi Bộ trưởng Lodhi bị sa thải, quân đội đã cảnh báo về “những hậu quả đau thương” có thể xảy ra. Ngày 12-1, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pakistan Ashfaq Pervez Kayani đã gặp gỡ các tướng lĩnh hàng đầu. Người phát ngôn quân đội Muhammad Ali Diyal từ chối tiết lộ nội dung cuộc gặp. Song, động thái này mở ra những đồn đoán về bước đi tiếp theo của lực lượng quân đội vốn nắm quyền ở quốc gia Nam Á này suốt 60 năm với các cuộc đảo chính liên tiếp và đến nay vẫn chưa có một Chính phủ dân sự nào hoàn tất nhiệm kỳ.  

Trong khi đó, Tòa án Tối cao Pakistan đang điều tra vụ tham nhũng có liên quan đến Tổng thống Asif Ali Zardari. Tòa án vốn đối đầu với ông Zardari và là đồng minh của quân đội. Theo hãng AFP, cả Tòa án và quân đội đều có thể mượn cớ vụ tham nhũng và căng thẳng lần này để lật đổ lãnh đạo của Chính phủ dân sự.

Được bầu vào năm 2008, Chính phủ của ông Zardari quyết tâm hoàn tất nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Chính phủ đương nhiệm đang bị bủa vây với các cáo buộc điều hành thiếu hiệu quả và tham nhũng. Tổng tuyển cử dự kiến vào đầu năm tới, nhưng có thể được tổ chức sớm hơn trong thời gian 6 tháng đầu năm nay. Ông Zardari còn bị chỉ trích vì đã cầu cứu đồng minh Mỹ khi gửi thư cho Tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen và đề nghị sự hỗ trợ của Washington nhằm ngăn chặn nguy cơ đảo chính quân sự vào tháng 5-2011.

Thực tế, căng thẳng giữa Chính phủ dân sự Islamabad với các lãnh đạo quân đội đã kéo dài trong những tháng gần đây. Các nhà quan sát cho rằng, diễn biến mới nhất là nguy cơ khơi mào bất ổn và khủng hoảng. Trong lúc này, trên các trang web truyền thông ở Pakistan rộ lên những đồn đoán về nguy cơ một cuộc đảo chính mới. Tuy nhiên, nhà phân tích Imtiaz Gul bác bỏ điều này và khẳng định. Với tất cả các dấu hiệu về tình hình hiện tại thì sẽ có khả năng bầu cử sớm.

Thủ tướng Gilani đang nỗ lực giảm thiểu căng thẳng nhưng thách thức thật sự đối với Chính phủ của ông là Tòa án. Quan hệ giữa nhà lãnh đạo này với Tòa án vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” kể từ khi ông từ chối phục hồi chức vụ cho một Chánh án sau một tháng xảy ra vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto vào tháng 12-2007.  

Hãng AFP dẫn lời nhà phân tích chính trị Hasan Askari cảnh báo rằng, Pakistan đang đứng bên bờ vực khủng hoảng lớn. Theo ông Askari, Chính phủ không thể không có sự ủng hộ của quân đội nhưng nội các Islamabad hiện không thể kiểm soát được tình hình.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.