Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2012 nhấn mạnh đến việc tăng trưởng và kỷ luật ngân sách “thông minh”.
Biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Syntagma, Athens. Ảnh: Getty Images |
Phiên họp đầu tiên năm 2012 của các nhà lãnh đạo EU diễn ra trong lúc nền kinh tế Ý và Tây Ban Nha có những dấu hiệu cải thiện, riêng số phận Hy Lạp vẫn mong manh. Vì vậy, câu chuyện Athens với bài toán nợ công và sự cần thiết thắt chặt kỷ luật ngân sách “thông minh” ở các nước châu Âu tiếp tục phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) ngày 30-1. Hãng Reuters cho biết, Hy Lạp hồi hộp chờ đợi kết quả của các cuộc thương thảo lần này. Thỏa thuận xóa nợ 100 tỷ euro (132 tỷ USD) trong tổng 350 tỷ euro (462 tỷ USD) nợ công của Hy Lạp nếu đạt được sẽ giúp quốc gia đang chao đảo vì khủng hoảng thoát nguy cơ vỡ nợ.
Ủy ban châu Âu (EC) tin tưởng về việc các nước, ngoại trừ Anh, trong vài ngày tới sẽ ký một thỏa thuận ngân sách mới, mang tính sống còn không những đối với EU mà còn với Hy Lạp. Theo đó, một quỹ bất thường trị giá 20 tỷ euro (26,4 tỷ USD) sẽ được huy động từ ngân sách của EU năm 2007-2013 để trực tiếp phục vụ cho vấn đề tạo ra việc làm, nhất là đối với người trẻ, đồng thời hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khối các nước sử dụng đồng euro cũng dự kiến đưa quỹ giải cứu cơ chế ổn định châu Âu (ESM) sở hữu 500 tỷ euro (656 tỷ USD) vào hoạt động từ tháng 7-2012, sớm hơn một năm so với kế hoạch nhưng không có sự đóng góp của Anh. Trong khi đó, Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 300 tỷ euro mang tính tạm thời sẽ kết thúc vào năm 2013. Một số chuyên gia cho rằng, EFSF sẽ thay thế ESM hơn là được vận hành song song. EFSF đã được sử dụng để giải cứu Ireland, Bồ Đào Nha và sẽ giúp Hy Lạp với gói cứu trợ thứ hai.
Reuters dẫn lời các nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng ESM sẽ tăng cường việc phòng ngừa khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo, trong đó có Thủ tướng Ý Mario Monti, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng, ESM sẽ đạt được mục đích như vậy nếu quỹ này kết hợp với số tiền còn trong EFSF để tạo ra một “siêu quỹ” trị giá 750 tỷ euro (1.000 tỷ USD).
Giá dầu ở châu Á ngày 30-1 giảm còn gần 99 USD/thùng. Nhà phân tích về năng lượng Victor Shum ở Singapore cho rằng, giá dầu thô đang biến động sau khi Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cảnh báo rằng, khu vực sử dụng đồng euro có thể không cung cấp gói giải cứu mới cho Hy Lạp nếu quốc gia này không tự có những động thái tích cực đối với nền kinh tế của mình. Giới phân tích quan ngại sự quay lưng của EU có thể làm khủng hoảng nợ của khu vực càng thêm nghiêm trọng. |
Theo IMF, thỏa thuận mới về ESM tạo ra “tường lửa” cho khu vực sử dụng đồng euro sẽ thuyết phục các nước đóng góp thêm tiền, thúc đẩy khả năng đối phó với khủng hoảng. Song, Đức phản đối động thái này. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định bà sẽ không thảo luận về mức trần của ESM/EFSF cho đến khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại Hội nghị Thượng đỉnh kế tiếp vào tháng 3 tới. Cộng hòa Czech cũng có thể chưa tham gia hiệp ước mới do sự chia rẽ trong liên minh cầm quyền. Còn sự hiện diện của Ireland phụ thuộc vào cuộc trưng cầu dân ý ở nước này.
Sau gần 3 năm khủng hoảng tài chính, một số nhà kinh tế học tin rằng, việc liên kết các quy định chặt chẽ về ngân sách, một quỹ giải cứu lớn hơn và cam kết cải cách cấu trúc rộng hơn có thể giúp châu Âu vượt qua cơn bão nợ công. Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế về khu vực đồng euro nhận định: Gói tài chính mới và ESM sẽ định hình một tương lai tốt hơn. Tuy nhiên, các quan chức EU có mặt tại Brussels đều quan ngại đàm phán sẽ không dễ dàng.
PHÚC NGUYÊN