(ĐNĐT) - Ngày 8-2, Tổng thư ký LHQ, Ban Ki-moon cho biết, LHQ và Liên đoàn Ả Rập đang xem xét đưa các quan sát viên phối hợp trở lại Syria trong một động thái làm mới nỗ lực ngăn chặn bạo lực tại đất nước Trung Đông này.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu trong một cuộc họp báo tại New York ngày 8-2-2012 rằng, Liên đoàn Ả Rập muốn đưa các quan sát viên trở lại Syria (Ảnh: THX) |
Phát biểu với báo giới, ông Ban Ki-moon cho biết sau một cuộc họp kín của HĐBA LHQ rằng, Nabil al-Araby, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập (LA) có ý định đưa một phái đoàn quan sát viên của LA trở lại Syria và yêu cầu LHQ hỗ trợ.
Hiện LHQ đang xem xét một ủy ban quan sát phối hợp tại Syria, gồm một đặc phái viên phối hợp, ông Ban Ki-moon cho biết.
LA đã tuyên bố kết thúc sứ mệnh quan sát viên vào tháng 1 vừa qua. Sứ mệnh này bắt đầu làm việc tại Syria kể từ cuối tháng 12-2011.
Theo LHQ, đã có ít nhất 5.400 người bị thiệt mạng trong cuộc trấn áp lên người biểu tình của chính phủ Syria trong 10 tháng qua. Chính quyền Syria đổ lỗi cho các băng đảng có vũ trang có liên hệ với al-Qaeda, đồng thời cho biết, có hơn 2.000 binh sĩ và cảnh sát bị giết hại.
Tổng thư ký LHQ chỉ trích mạnh mẽ Nga và Trung Quốc đã phủ quyết dự thảo LHQ vào hôm thứ Bảy, 4-2, một nghị quyết ủng hộ kế hoạch hòa bình của LA nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị tại Syria.
Phương tây thuyết phục Moscow hãy ủng hộ nghị quyết cho phép một hành động quân sự nhưng Nga luôn cho rằng, họ không muốn nhìn thấy một “Lybia” khác.
Trước đó, phương tây đã từ chối một nghị quyết do Nga soạn thảo bởi vì họ cho rằng nó “quá mềm mỏng”.
Ngày 7-2, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Lavrov đã có chuyến thăm Syria. Sau khi làm việc với tổng thống Syria, Bashar al-Assad, ông Lavrov cho biết Tổng thống Assad sẽ đối thoại với các bên đối lập và sẽ sớm công bố trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới.
Tiếp đó, ngày 8-2, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow lên án tình trạng bạo lực tiếp diễn tại Syria nhưng Nga cũng chống lại sự can thiệp từ bên ngoài. Cùng ngày, Tổng thống Dmitry Medvedev đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế “hãy tránh bất kỳ các bước đi đơn phương vội vàng nào”.
Quang Hiển (theo Rianovosti, BBC)