.

Chuyến thăm “mềm hóa” quan hệ Trung - Mỹ

.

Ngày 13-2, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Mỹ sau những căng thẳng trong quan hệ giữa 2 nước, nhất là khi Washington tuyên bố muốn tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào.                     Ảnh: AFP
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào. Ảnh: AFP

Phó Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là người sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào từ năm 2013-2023 để điều hành cường quốc châu Á đang nổi lên. Trong chuyến công du từ ngày 13 đến 22-2, ông Tập Cận Bình sẽ dừng chân ở Mỹ trong 5 ngày, sau đó đến Ireland và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự kiến Phó Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ Tổng thống Barack Obama vào ngày 14-2, đến Lầu Năm Góc để hội đàm cùng các quan chức Mỹ nhằm xây dựng niềm tin quân sự giữa 2 nước. Ông cũng sẽ hiện diện ở Iowa và Los Angeles.

Trả lời phỏng vấn tờ Washington Post trước khi rời Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ ưu tiên tăng trưởng kinh tế và cam kết rằng, Trung Quốc sẽ xem xét những quan ngại xung quanh vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Ông cho rằng, Thái Bình Dương là “không gian phong phú” cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Song, nhà lãnh đạo này khẳng định: Các nước châu Á vốn quan tâm hàng đầu về sự thịnh vượng kinh tế. Theo ông, vào thời điểm mọi người đang sống trong hòa bình, ổn định và phát triển, việc chú ý đến an ninh quân sự, tăng quy mô quân đội và tăng cường liên minh quân sự không phải là điều mà hầu hết các nước châu Á - Thái Bình Dương muốn thấy. Phó Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh sẵn sàng hoan nghênh vai trò xây dựng của Mỹ trong phát triển hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng ở khu vực. Ông cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng hoàn toàn và phù hợp đối với các lợi ích cũng như mối quan tâm hợp pháp của các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Hãng Reuters cho biết, Tổng thống Barack Obama đã cam kết tăng cường sức mạnh quân đội Mỹ ở châu Á nhằm kiềm chế sự trổi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, Washington đã đưa binh sĩ đến Úc và Philippines, tìm kiếm thúc đẩy quan hệ quân sự với Việt Nam và
Singapore, đồng thời duy trì các căn cứ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cuối năm nay, Trung Quốc bước vào cuộc chuyển giao lãnh đạo trong khi ở Mỹ diễn ra bầu cử Tổng thống. Vì vậy, các quan chức Nhà Trắng nói rằng, họ không mong muốn có những “tuyên bố lớn” giữa 2 nước nhưng cam kết duy trì mối quan hệ lâu dài với ông Tập Cận Bình để giải quyết một số vấn đề vướng mắc. Các nhà chính trị của Mỹ vốn bất bình về tỷ giá tiền tệ của Trung Quốc và cho rằng, Bắc Kinh định giá thấp đồng Nhân dân tệ, tạo ra sự không công bằng trong xuất khẩu, cũng như kiểm soát lỏng lẻo đối với sở hữu trí tuệ. Bằng chứng là thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc năm ngoái tăng lên 202,3 tỷ USD. Ngoài ra, Washington cũng không hài lòng khi Bắc Kinh cùng Mátxcơva phủ quyết dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống Syria. Song, Chính phủ của Tổng thống Obama vẫn hy vọng thúc đẩy hợp tác giữa 2 cường quốc trong tương lai. Tháng 8-2011, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Trung Quốc và gặp gỡ ông Tập Cận Bình tổng cộng 10 tiếng đồng hồ. Đây là khoảng thời gian hội đàm lãnh đạo dài nhất trong kỷ nguyên ngoại giao giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.  

Trong khi đó, theo Reuters, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghi ngờ sâu sắc về các ý định của Mỹ, nhất là việc chú trọng tăng cường sức mạnh quân sự của Washington ở châu Á. Trong một bài phát biểu mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cảnh báo sự “thâm hụt niềm tin” giữa 2 nước, đồng thời kêu gọi cả hai bên xem xét nghiêm túc lỗ hổng này.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.