.

Cựu chủ tịch hãng Olympus bị bắt

.

(ĐNĐT) - Ngày 16-2, các nhà điều tra Nhật Bản đã bắt giữ 7 người đàn ông, trong đó có cựu Chủ tịch hãng máy ảnh Olympus, ông Tsuyoshi Kikukawa vì có liên quan tới vụ gian lận kế toán 1,7 tỷ USD.

 Tsuyoshi Kikukawa, Cựu Chủ tịch hãng Olympus, là một trong 4 người bị bắt tại Nhật Bản ngày 16-2-2012 do vụ bê bối tài chính trị giá 1,7 tỉ USD.  Ảnh: Getty
Tsuyoshi Kikukawa, cựu Chủ tịch hãng Olympus, là một trong 4 người bị bắt tại Nhật Bản ngày 16-2-2012 do vụ bê bối tài chính trị giá 1,7 tỷ USD. Ảnh: Getty

Những người cùng bị bắt là cựu Phó chủ tịch Hisashi Mori và cựu kế toán viên Hideo Yamada. Ngoài ra, 4 người khác nữa là cựu tư vấn tài chính được quy kết là đã hỗ trợ hãng Olympus che giấu số tiền trên, Văn phòng Công tố viên quận Tokyo cho biết.

Các cựu lãnh đạo của Olympus bị kết tội đã lập báo cáo tài chính giả mạo trong hai năm 2007 và 2008.

Hãng Olympus cho biết trong một thông báo rằng: “Chúng tôi rất quan ngại về mức độ nghiêm trọng của tình hình. Để biết đầy đủ sự việc, chúng tôi tiếp tục hợp tác với các cơ quan điều tra trong vụ điều tra này”.

Các cáo buộc tại Olympus được phơi bày ra ánh sáng khi cựu chủ tịch người nước ngoài đầu tiên tại công ty này, Michael Woodford bị sa thải. Vào tháng 10-2011, Woodford tuyên bố rằng ông bị sa thải sau khi chất vấn Kikukawa, Mori và Yamada về những khoản chuyển tiền khó hiểu vốn là tâm điểm của vụ điều tra.

Ông Woodford cho biết, ông đã chất vấn về khoản tiền chi phí 687 triệu USD cho các tư vấn tài chính trong việc tiếp nhận thiết bị y tế của hãng Gyrus của Anh. Ngoài ra, còn một khoản khác là trị giá 773 triệu USD trả cho 3 công ty Nhật Bản nhỏ khác là một công ty sản xuất kem thoa mặt, một công ty sản xuất hộp nhựa và một hãng tái chế. Mỗi công ty này có chưa đầy 50 nhân viên.

Mặc dù lúc đầu công ty bác bỏ cáo buộc đó, nhưng sau đó họ đã thừa nhận đó là khoản lỗ được che giấu trong 20 năm qua.

Một cuộc kiểm toán đặc biệt tại Olympus vào tháng 12-2011 do Thẩm phán Tòa án tối cao Nhật Bản tiến hành, đã tìm ra một khoản tổn thất 1,7 tỷ USD do đầu tư sai sót vào thập niên 1990 của công ty.

Vụ việc dẫn đến chỗ, cổ phiếu công ty đã giảm hơn 50% trên sàn chứng khoán Tokyo (TSE); đồng thời sàn chứng khoán TSE cũng đã đặt cổ phiếu của Olympus vào danh sách theo dõi khi công ty này chậm nộp hồ sơ kế toán mới nhất sau vụ bê bối.

Các nhà phân tích cho rằng, sự việc mới nhất này là một chiến thắng đối với cổ đông của Olympus. Kenneth Cukie, viết trên tờ The Economist rằng: “Trò chơi đã kết thúc với ông Kikukawa và những người đã gian lận hàng tỉ USD của công ty và cổ đông”.

Quang Hiển (theo BBC, CNN)

;
.
.
.
.
.