Đức và Trung Quốc, hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại trong chuyến công du lần thứ 5 của Thủ tướng Angela Merkel đến Bắc Kinh.
Thủ tướng Angela Merkel (giữa) ở khu phố Hutong, Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Ngày 2-2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Bắc Kinh mang theo vấn đề khủng hoảng nợ công châu Âu để thúc đẩy niềm tin và kêu gọi đầu tư của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với lục địa già cỗi này. Bất chấp khủng hoảng nợ, bà Merkel vẫn khẳng định đồng euro đã làm châu Âu mạnh hơn. Theo Hãng Reuters, nhà lãnh đạo Berlin muốn nhấn mạnh với Trung Quốc rằng, cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực sử dụng loại tiền tệ này đang được kiểm soát. Song, chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Thủ tướng Merkel thực chất được cho là nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với khu vực đồng euro đang gặp khó khăn.
Hãng Reuters dẫn lời bà Merkel khẳng định: Liên minh châu Âu (EU) đã có những bước tiến lớn trong một vài năm qua. Nữ Thủ tướng hiểu rõ với nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (khoảng 3.200 tỷ USD), Trung Quốc đủ khả năng làm giảm gánh nặng nợ công của châu Âu - cuộc khủng hoảng mà bà cùng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nỗ lực nhưng vẫn chưa tháo gỡ được. Chính bà Merkel cũng phát biểu rằng, Trung Quốc có thể góp phần giúp giải quyết khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Tuy nhiên, sứ mệnh của bà sẽ không dễ dàng bởi Chủ tịch Quỹ Giải cứu khu vực đồng euro, ông Klaus Regling, cũng đã đến Bắc Kinh vào cuối năm ngoái nhưng ra về tay trắng. Đến nay, mặc dù quan ngại sâu sắc về số phận đồng euro, nhưng Trung Quốc vẫn chưa có cam kết nào và chỉ nói rằng, nước này sẵn sàng hỗ trợ nhưng phải có kế hoạch chi tiết của châu Âu. Bắc Kinh còn nhấn mạnh rằng, trước hết châu Âu phải tự có những giải pháp phù hợp và cần thiết để cứu mình.
Chuyến “xông đất” Trung Quốc vào năm 2012 của nữ Thủ tướng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu diễn ra trong lúc Hiệp ước mới do Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thúc đẩy sẽ yêu cầu các Chính phủ ở khu vực thắt chặt quy định ngân sách và áp đặt trừng phạt đối với những nước vi phạm mức nợ công.
Phát biểu tại Viện Khoa học xã hội, bà Merkel tuyên bố Đức sẽ mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tăng cường bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm cho các doanh nghiệp từ quốc gia châu Âu này tiếp cận với thị trường rộng lớn của “người khổng lồ” châu Á. Hôm nay (3-2), bà Merkel sẽ hội đàm với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trước khi đến thành phố Quảng Đông để cùng Thủ tướng Ôn Gia Bảo tham dự diễn đàn các doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Trung Quốc. Hiện có gần 500 doanh nghiệp Đức đang đầu tư ở Quảng Đông với các lĩnh vực: năng lượng, hóa chất, ngân hàng, điện tử...
Hãng AFP cho hay, dự kiến bà Merkel sẽ đề cập đến khả năng gia tăng liên quan của Trung Quốc đối với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bởi cơ quan này muốn có thêm 500 tỷ USD để hỗ trợ các nước đối phó với khủng hoảng nợ công. Đồng thời, bà Merkel cũng bàn thảo về tỷ giá đồng Nhân dân tệ và sự mất cân bằng thương mại toàn cầu. Tuần trước, đồng Nhân dân tệ tăng 1,5% so với đồng euro. Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Đại học Peking nhận định: Đức hy vọng có thêm đầu tư từ Trung Quốc nhưng không nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách tiền tệ.
Trung Quốc là đối tác kinh tế chiến lược của Đức. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 169 tỷ USD trong năm 2011, tăng 18,9% so với năm trước đó. Hai nước cũng thống nhất sẽ nâng con số này lên 280 tỷ USD vào năm 2015.
BÌNH YÊN