.

Hội đồng bảo an LHQ bế tắc về vấn đề Syria

.

(ĐNĐT) - Một ngày tranh luận của Hội  đồng Bảo an LHQ về vấn đề Syria đã kết thúc trong bế tắc, bởi Nga và Trung Quốc không đồng ý đề xuất của Liên đoàn Ả Rập kêu gọi Tổng thống al-Assad từ chức.

Đại sứ  Nga, Vitaly Churkin tại cuộc họp ngày 31-1-2012 của HĐBA LHQ.  Ảnh: AP
Đại sứ Nga, Vitaly Churkin tại cuộc họp ngày 31-1-2012 của HĐBA LHQ. Ảnh: AP

Ngày 31-1, Hội đồng Bảo an đã thảo luận về một nghị quyết do Marroco soạn thảo, kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức và nhường ghế cho phó tổng thống. Nghị quyết này ủng hộ việc “thực hiện đầy đủ” báo cáo của Liên đoàn Ả Rập kêu gọi Syria tổ chức một chính phủ liên hiệp trong vòng hai tháng.

Thủ  tướng Qatar đã thúc giục các nước thành viên của Hội  đồng hãy có hành động chống lại cái mà ông gọi là “cỗ máy giết chóc” của ông Assad.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga cho rằng, kế hoạch đó nhằm làm thay đổi chế độ tại Syria và hai nước này vẫn giữ lập trường phản đối đề xuất của Liên đoàn Ả Rập.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Lavrov cho rằng: “Chính sách của Nga là không yêu cầu người khác từ chức. Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực của các lực lượng chính phủ để chống lại thường dân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lên án mạnh mẽ như thế đối với các hoạt động của các nhóm cực đoan có vũ trang tấn công vào các vị trí của chính phủ”.

Moscow cho biết sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào của LHQ chống lại Damacus, bởi Nga sợ rằng, nó  sẽ mở một cánh cửa cho sự can thiệp về mặt quân sự của quốc tế vào Syria, theo kiểu một nghị quyết LHQ được Liên đoàn Ả Rập ủng hộ dẫn đến các cuộc không kích của NATO tại Libya.

Về phía Trung Quốc, hãng Tân Hoa Xã dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, Li Baodong phát biểu: “Trung Quốc…hoàn toàn phản đối việc thúc đẩy sự thay đổi chế độ tại Syria, vì nó vi phạm Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản hướng dẫn thực hiện quan hệ quốc tế".

Cả Trung Quốc và Nga cho rằng, sẽ hiệu quả hơn cả nghị quyết của LHQ, là thúc đẩy đối thoại trong nước.

Đại sứ Nga tại LHQ, Vitaly Churkin phát biểu: “HĐBA không thể áp đặt các tiêu chí cho một cuộc dàn xếp chính trị nội bộ. Chúng tôi tin rằng, vào một thời điểm khủng hoảng chính trị nội bộ tăng cao, thì vai trò của cộng đồng quốc tế là không nên làm trầm trọng thêm cuộc xung đột, cũng như không làm rối ren tình hình bằng cách sử dụng lệnh trừng phạt kinh tế và sử dụng vũ lực”.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng, đã đến lúc cộng đồng quốc tế hãy bỏ qua những khác biệt và gởi một thông điệp ủng hộ nhân dân Syria. Bà Clinton khẳng định, hành động của LHQ sẽ không có sự can thiệp quân sự vào Syria như từng xảy ra tại Libya.

Quang Hiển (theo CNN, BBC, AP)

;
.
.
.
.
.