.

Hy Lạp lúng túng trong khủng hoảng

.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos đã đến Brussels (Bỉ) tham dự cuộc họp của khối các nước sử dụng đồng euro với thỏa thuận chưa được hoàn tất từ Athens. 

Cảnh sát ngăn chặn lực lượng biểu tình tiến vào Tòa nhà Quốc hội Hy Lạp ở Quảng trường Syntagma ngày 7-2.                                                                                                                           Ảnh: AP
Cảnh sát ngăn chặn lực lượng biểu tình tiến vào Tòa nhà Quốc hội Hy Lạp ở Quảng trường Syntagma ngày 7-2. Ảnh: AP

Ngày 9-2, sau cuộc họp kéo dài 7 tiếng đồng hồ, các nhà lãnh đạo Hy Lạp vẫn không đạt được thỏa thuận về việc cải cách và các chính sách “thắt lưng buộc bụng” mới. Nhưng Bộ trưởng Venizelos vẫn phải đến Brussels để đệ trình cam kết tiết kiệm 3,3 tỷ euro (4,4 tỷ USD) trong năm nay với những người đồng cấp ở khu vực đồng euro. Ông Venizelos kỳ vọng vào “quyết định tích cực” tại cuộc họp ở Brussels lần này bởi sự sống còn về tài chính của Hy Lạp trong những năm tới phụ thuộc vào một chương trình mới.  

Theo Reuters, vấn đề đặt ra là yêu cầu cắt giảm trợ cấp hưu trí lên đến 300 triệu euro. Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều không tìm được tiếng nói chung với Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos, Bộ trưởng Tài chính Venizelos và Bộ trưởng Lao động Giorgos Koutroumanis. Thực tế, 300 triệu euro là con số nhỏ so với gói giải cứu 130 tỷ euo (170 tỷ USD) mà Hy Lạp đang cần để tránh nguy cơ vỡ nợ vào tháng 3 tới. Các quan chức Athens cho hay, những nhà đàm phán nợ sẽ cho Chính phủ nước này 15 ngày để tìm giải pháp thay thế khoản cắt giảm 300 triệu euro. Song, hiện chưa rõ Thủ tướng Papademos có gặp gỡ trở lại với liên minh, bao gồm ông và các lãnh đạo của những đảng đối lập Antonis Samaras và George Karatzaferis hay không. Nếu các nhà lãnh đạo chính trị chấp nhận việc “thắt lưng buộc bụng”, Chính phủ sẽ thông qua thỏa thuận và Quốc hội sẽ bỏ phiếu vào cuối tuần này.

Các nghiệp đoàn đã phản ứng tức giận với chính sách cắt giảm mới và cho hay sẽ tiến hành đình công để phản đối. Trong các mục cắt giảm còn có việc giảm 20% lương tối thiểu (giảm từ 751 euro/tháng còn 600 euro) và sa thải 15.000 công nhân ở khu vực công vào cuối năm nay, ngoài ra sẽ không cấp phát tiền thưởng vào các ngày nghỉ, vốn được xem là tháng lương thứ 13 và 14. Các nghiệp đoàn dự kiến tổng đình công vào ngày 10 và 11-2, có thể kéo dài sang ngày 12-2 nếu Quốc hội nhóm họp để bỏ phiếu tiết kiệm chi tiêu.

Không có sự hỗ trợ của EU, ECB và IMF, Hy Lạp sẽ không đủ tiền để thanh toán các khoản nợ trước “giờ G.” - ngày 20-3 tới. Và nếu vỡ nợ, quốc gia này sẽ rời khỏi khu vực sử dụng đồng euro. Các quan chức châu Âu cho rằng, điều này không thể xảy ra bởi sẽ làm tổn hại đến các nền kinh tế khác yếu hơn như Bồ Đào Nha, Ireland và Ý. Khủng hoảng kéo dài 2 năm đã làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp lên 19% và tỷ lệ nghèo đói lên 20%.  

Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận của nhật báo Kathimerin ở Hy Lạp cho thấy, khoảng 91% người dân nước này tin rằng, Chính phủ liên minh đang đi sai hướng. Sự ủng hộ dành cho Đảng Xã hội, vốn giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử vào năm 2009, nay giảm còn 8%. Đảng Dân chủ mới bảo thủ dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 31% nhưng vẫn chưa hội đủ các yếu tố để tự hình thành Chính phủ.  

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.