.

Moody’s hạ xếp hạng 6 nước châu Âu

.

Hãng Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm tín dụng của 6 nước châu Âu, trong khi cảnh báo triển vọng ảm đạm của 3 nước khác.  

Lửa cháy dữ dội ở Athens (Hy Lạp) khi cảnh sát ngăn chặn những người biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng”.                                                                                                 Ảnh: Reuters
Lửa cháy dữ dội ở Athens (Hy Lạp) khi cảnh sát ngăn chặn những người biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng”. Ảnh: Reuters

CNN cho biết, 6 nước bị hạ xếp hạng bao gồm: Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia và Malta. Theo đó, Ý từ hạng A2 xuống A3, Tây Ban Nha từ A1 xuống A3, Bồ Đào Nha từ Ba2 xuống Ba3, Slovakia và Slovenia tụt một bậc xuống A2, trong khi Malta từ A2 xuống A3. Moody’s cũng cảnh báo Áo, Pháp và Anh đều đang giữ mức xếp hạng AAA nhưng có thể không giữ được mức xếp hạng hàng đầu này.  
Động thái của Moody’s không phải là điều bất ngờ bởi trước đó hãng này đã liên tục đưa ra những cảnh báo. Song, việc 6 quốc gia bị hạ xếp hạng tín nhiệm tín dụng tạo ra những cái nhìn bi quan đối với khả năng giải quyết khủng hoảng nợ công của châu Âu.

Thời gian gần đây, các hãng như Fitch và Standard & Poor’s cũng đã hạ xếp hạng của các nước châu Âu. Tháng 1 vừa qua, Fitch hạ bậc của Bỉ, Cộng hòa Cyprus, Ý, Slovenia và Tây Ban Nha. Nhưng điều đáng nói là việc 6 nước bị hạ tín nhiệm và 3 nước bị Moody’s đưa vào “tầm ngắm” diễn ra khi các nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu tốt đẹp của các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) trong việc phê chuẩn gói giải cứu mới nhất cho Hy Lạp, quốc gia đang loay hoay trong khủng hoảng với thời hạn cuối trả nợ vào tháng 3 tới. Theo AFP, sự việc này báo hiệu bức tranh của nền kinh tế suy yếu trong khu vực châu Âu, đe dọa đến việc thực hiện các chương trình “thắt lưng buộc bụng” và cải cách cấu trúc. Moody’s cho rằng, niềm tin của thị trường vẫn rất mong manh với khả năng sẽ có những cú sốc hơn nữa. Không những thế, hãng này còn hoài nghi rằng, châu Âu đang tìm kiếm các nguồn lực như thế nào để đối phó với khủng hoảng.

Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ châu Âu
Ngày 14-2, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định sẵn sàng tham gia giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu. Phát biểu của ông Ôn Gia Bảo được đưa ra sau các cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tại thủ đô Bắc Kinh.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã bày tỏ hy vọng nhìn thấy châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, “duy trì ổn định và thịnh vượng”. Song, ông không đề cập cụ thể việc Bắc Kinh sẽ tham gia như thế nào để hỗ trợ giải quyết khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin đặc biệt quan tâm đến quyết định của Moody’s. Ông Baroin khẳng định Paris quyết tâm theo đuổi các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, khả năng cạnh tranh... để tạo ra việc làm và giảm thâm hụt công. Tại London, theo Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, cảnh báo của Moody’s sẽ làm thay đổi suy nghĩ của những ai cho rằng đất nước này có thể giải quyết được vấn đề thâm hụt ngân sách. Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải “mềm hóa” chính sách “thắt lưng buộc bụng” để làm cho nền kinh tế dễ thở hơn. Tuy động thái của Moody’s ít tạo ra những ảnh hưởng hơn so với đối thủ Standard & Poor’s nhưng lại đặt Anh vào nguy cơ lần đầu tiên mất xếp hạng hàng đầu về tín nhiệm tín dụng.

Đức, quốc gia vẫn giữ hạng AAA, mô tả việc Moody’s hạ bậc của 6 nước châu Âu là phù hợp. Berlin đồng thời khẳng định thứ hạng cao nhất của Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) đến nay vẫn không thay đổi. Song, thực tế, Standard & Poor’s đã từng hạ bậc EFSF.

Liên quan đến khủng hoảng ở Hy Lạp, Giám đốc điều hành nhóm nguy cơ của Moody’s, ông Bart Oosterveld, nhận định: Nếu Athens rời khỏi EU sẽ tác động sâu sắc đối với thị trường tài chính và xếp hạng tín dụng. Ông Oosterveld cảnh báo các thị trường tín dụng châu Âu có thể vẫn xấu đi mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nỗ lực để giảm áp lực tài chính.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.