Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta sẽ phải lý giải với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về chiến lược mới liên quan đến liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Binh sĩ Pháp tại Kabul. Pháp sẽ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2013. Ảnh: AFP |
Hội nghị các Bộ trưởng NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 2-2 và 3-2 diễn ra sau một tuần Bộ trưởng Leon Panetta xem xét ngân sách quốc phòng của Mỹ, kêu gọi cắt giảm binh sĩ của nước này tại châu Âu. Kế hoạch là một phần chiến lược quân sự mới của Mỹ, trong đó đặt châu Á và Trung Đông là ưu tiên hàng đầu rồi mới đến châu Âu, đồng thời cắt giảm 487 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng 10 năm tới.
Hãng AP nhận định: Hội nghị tại Brussels là thách thức của người đứng đầu Lầu Năm Góc khi Tổng thống Barack Obama chuẩn bị chủ trì một hội nghị thượng đỉnh của các đồng minh quân sự tại Chicago vào tháng 5 tới. Kế hoạch của ông Panetta kêu gọi rút 2 lữ đoàn lục quân ở châu Âu vào năm 2014 làm dấy lên quan ngại về cam kết của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho châu Âu và liệu Washington có duy trì lực lượng để thực hiện hiệp ước phòng thủ cho khu vực này hay không.
Mỹ hiện có 4 lữ đoàn bộ binh ở châu Âu, trong đó 3 lữ đoàn ở Đức và một lữ đoàn ở Ý, mỗi lữ đoàn có từ 3.500-5.000 binh sĩ. Theo công bố chính thức của Lầu Năm Góc hồi tháng 9-2011, có khoảng 81.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở châu Âu, trong đó hơn ½ đóng tại Đức. Lữ đoàn đầu tiên sẽ rời châu Âu vào năm 2013 và một lữ đoàn khác tiếp bước vào năm sau đó. Như vậy sẽ có khoảng 7.600 binh sĩ về nước và gần 20.000 thân nhân của họ cũng hồi hương. Hai đơn vị tác chiến hạng nặng này sẽ không được tái bố trí ở Mỹ nhằm tinh giản số binh sĩ thường trực.
Chuyên gia cao cấp Ian Brzezinski tại Hội đồng Đại Tây Dương tại Washington, cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống G.W.Bush, cho rằng các đồng minh châu Âu muốn ông Panetta lý giải về chiến lược mới liên quan đến liên minh xuyên Đại Tây Dương. Giới phân tích quan ngại với việc giảm ½ quân số binh sĩ ở châu Âu sẽ không bảo đảm lực lượng phối hợp với NATO trong các hoạt động quân sự nếu xảy ra chiến dịch tương tự Libya vào năm ngoái.
Ngay trước đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố Paris sẽ rút binh sĩ khỏi Afghanistan vào năm 2013, tức trước thời hạn một năm. Ông Sarkozy còn thúc giục các nước đồng minh NATO cũng rút quân và động thái này đe dọa đến chiến lược của liên minh quân sự. Quyết định gây sốc của Pháp là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Mỹ và có thể khơi mào để các thành viên NATO rút quân. Theo hãng AFP, ông Sarkozy đã tìm cách khôi phục quan hệ giữa Paris với Washington và NATO sau những rạn nứt liên quan đến cuộc chiến Iraq, chương trình hạt nhân Iran và chiến tranh Libya. Giới phân tích gọi hành động rút quân của Pháp khỏi Afghanistan là sự phản bội và sẽ hủy hoại tín nhiệm đối với Paris trong NATO. Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương Barry Pavel bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO sẽ nỗ lực để tránh việc hàng loạt quốc gia rút quân khỏi Afghanistan trong vài tuần tới. Theo ông Pavel, nếu Pháp và những nước khác lần lượt đưa binh sĩ về nước trong từ 3-4 tuần, tình thế cho Mỹ và NATO sẽ chuyển hướng xấu.
Hội nghị ở Chicago vào tháng 5 tới được kỳ vọng xóa bỏ những bất đồng âm ỉ trong NATO, chứng minh sự đoàn kết của khối này trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để mở đường cho ông Obama tiếp quản Nhà Trắng một nhiệm kỳ mới.
PHÚC NGUYÊN