Trong mắt Mỹ và phương Tây, Iran là cái gai khó chịu nhất, xét trên cả góc độ chính trị, quân sự lẫn kinh tế. Hơn thế, Tehran đã làm cho chiến lược địa chính trị của họ ở khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Còn đối với Israel, Iran luôn là kẻ thù không đội trời chung trên mọi phương diện.
Song, nhổ cái gai này không phải là chuyện dễ. Mỹ đã làm nhiều cách, từ cứng rắn đến dung hòa nhằm tìm kiếm giải pháp hữu hiệu. Mỹ tăng cường cấm vận kinh tế, quân sự, đồng thời gây áp lực lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để tìm kiếm những nghị quyết cứng rắn hơn, nhưng vấp phải phản ứng của Nga và Trung Quốc. Gần đây, Mỹ và phương Tây gia tăng cấm vận dầu mỏ - nguồn lợi số một của Tehran, nhưng vẫn chưa làm cho quốc gia này ngao ngán. Thậm chí, Tehran còn trả đũa bằng việc tuyên bố ngừng bán dầu mỏ cho Anh và Pháp.
Một áp lực khác là Mỹ, Anh đưa tàu sân bay và các tàu chiến khác tới vùng Vịnh khi Iran đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz. Dư luận còn đồn đoán rất có thể một cuộc chiến tranh sắp nổ ra giữa Mỹ và phương Tây với Iran.
Tuy nhiên, các chính trị gia và các nhà quan sát cho rằng, nhổ đi “cái gai Iran” là điều mà Mỹ và phương Tây rất muốn làm, nhưng lại không thể, chí ít trong tình hình hiện nay. Bởi lẽ, khi nổ ra xung đột vũ trang với quốc gia Hồi giáo này, thiệt hại phần lớn sẽ nghiêng về Mỹ và phương Tây hơn là Iran. Nguồn dầu mỏ theo đó sẽ không những bị giảm sút, mà vai trò và vị trí của Iran, kể cả tiềm lực quân sự của nước này cũng là điều đáng lo ngại. Vì vậy, đôi bên rất dè dặt trước khi có hành động nào đó. Điều thấy rõ nhất là dù hiện nay, 2 bên vẫn đưa các tàu chiến tới gần eo biển Hormuz, nhưng hôm qua (20-2), Tehran lại chủ động mở kênh đàm phán với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) về vấn đề hạt nhân của nước này. Mỹ và phương Tây tuy hoài nghi về một kết quả khả quan, nhưng lại lên tiếng hoan nghênh động thái đó của Iran. Như vậy cũng đủ thấy cả hai bên đều không muốn đối đầu quân sự mà hướng đến đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân bằng giải pháp hòa bình.
Trong khi đó, Israel có vẻ nôn nóng và hiếu chiến hơn. Đầu tháng 2 này, Tel Aviv đã đề cập đến một cuộc tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Phòng ngừa bị đáp trả, Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố đã cho bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa xung quanh thủ đô Tel Aviv. Thái độ hung hăng của Israel càng khiến Mỹ và phương Tây lo ngại. Vì khi nổ ra chiến tranh giữa Israel - Iran, Trung Đông sẽ rơi vào thảm họa vô cùng nghiêm trọng. Trả lời phỏng vấn CNN, Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Martin Dempsey cũng cảnh báo rằng hành động quân sự của Israel nhằm vào Iran sẽ tạo ra sự “bất ổn định”. Theo Tướng Martin Dempsey, “quyết định tấn công của Israel vào lúc này là điều không thận trọng”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague đánh giá rằng, Israel sẽ không khôn ngoan nếu tấn công Iran. Ông Hague nhấn mạnh: “Israel cũng như bất kỳ nước nào trên thế giới, phải dành một cơ may thật sự cho cách tiếp cận mà phương Tây đang thực hiện đối với Iran: Cấm vận kinh tế, gây sức ép ngoại giao và sẵn sàng đàm phán với Iran”. Ngoại trưởng Anh còn nói rõ thêm: Israel không hề chia sẻ với London bất kỳ một kế hoạch nào nhằm tấn công Iran. Đồng thời, cả Mỹ lẫn Anh cũng gửi phái viên đến Israel để khuyên Nhà nước Do Thái giữ thái độ chừng mực trong vấn đề hạt nhân của Iran.
“Cái gai Iran” đã và đang làm cho Mỹ, phương Tây rất khó chịu, muốn nhổ đi nhưng lại không thể. Nếu thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh với Tehran thì những biến cố tiếp theo sẽ rất khó lường. Đấy là điều mà Mỹ và phương Tây đang tính đến nên tìm cách ngăn chặn hành động phiêu lưu của Tel Aviv.
TUYẾT MINH