.

Syria: Giao tranh ở thành phố Deraa

.

Pháp muốn nối lại đàm phán với Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) để đạt được một giải pháp chống Syria.  

Biểu tình ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad tại thủ đô Damascus.                                      Ảnh: Reuters
Biểu tình ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad tại thủ đô Damascus. Ảnh: Reuters

Quân đội Syria ngày 16-2 đã tấn công vào thành phố Deraa nhằm đánh bật lực lượng nổi dậy. Thành phố Tây Nam Syria này là nơi bùng nổ các phong trào chống Tổng thống Bashar al-Assad kể từ tháng 3 năm ngoái.

Hãng Reuters cho biết, hàng loạt tiếng nổ đã vang lên ở Deraa, giáp biên giới với Jordan. Người dân thành phố này nói rằng, lực lượng Chính phủ bắt đầu tấn công Deraa lúc rạng sáng và các cuộc giao tranh đã xảy ra. Theo các thành viên của những tổ chức chống Tổng thống Assad, phe đối lập sẽ nối lại các cuộc biểu tình. Song, chưa có bình luận chính thức từ các nhà chức trách Syria.

Cuộc tấn công diễn ra chỉ sau một ngày Tổng thống Assad công bố việc tổ chức trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới và bầu cử. Theo đó, trưng cầu dân ý dự kiến vào ngày 26-2 và kéo dài 2 tuần, sau đó là cuộc bầu cử đa đảng trong 90 ngày. Tuy nhiên, phe đối lập, Mỹ và phương Tây đã bác bỏ kế hoạch trưng cầu dân ý của ông Assad. Đồng thời, kế hoạch này làm dấy lên quan ngại về việc cử tri đi bỏ phiếu như thế nào trong lúc nhiều khu vực vẫn đối mặt với giao tranh giữa lực lượng quân đội và phe nổi dậy.

Hãng Reuters dẫn lời các nhà chức trách Pháp cho biết, Paris đang tìm cách nối lại đàm phán với Nga để đạt được một giải pháp của HĐBA LHQ về vấn đề Syria. Nga, đồng minh lớn và là nhà cung cấp vũ khí cho Syria, muốn tạo ra các hành lang nhân đạo để tháo gỡ khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Song, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe phản đối ý tưởng thành lập các hành lang nhân đạo. Theo ông, việc này phải được thảo luận tại HĐBA. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố sẽ không ủng hộ giải pháp HĐBA gây áp lực đối với Syria nhằm thay đổi chế độ tại đất nước này. Ông Lavrov vẫn giữ quan điểm và chỉ trích rằng, điều này trái với luật pháp quốc tế. Liên đoàn Arab vốn chủ trương lật đổ Tổng thống Assad hiện muốn triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình chung giữa LHQ và Arab tại Syria.

Trong khi đó, các báo Trung Quốc ngày 16-2 phản bác những chỉ trích từ phương Tây về lá phiếu phủ quyết của Bắc Kinh và Mátxcơva đối với dự thảo Nghị quyết của HĐBA LHQ trong việc kêu gọi ông Assad từ chức. Các báo này cho rằng, việc nước ngoài “thọc tay” vào Syria sẽ khuấy động sự bất ổn của cả khu vực. Theo tờ Nhân dân nhật báo, Trung Đông là kho nhiên liệu quan trọng nhất của thế giới. Nếu khu vực này bị rơi vào vòng xoáy bạo loạn, giá dầu sẽ tăng cao, gây “sốc” cho thị trường chứng khoán, hệ thống tài chính và các nền kinh tế. Tờ báo cho rằng, các cường quốc trên thế giới phải nhận thức vấn đề này và việc lan rộng xung đột sẽ là thảm họa trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi. Cũng theo Nhân dân nhật báo, mục đích của Mỹ là thiết lập một Chính phủ thân thiện với Washington ở Syria để đối phó với những ảnh hưởng từ Iran. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trác Quân sẽ đến Syria vào ngày 17 và 18-2.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.