.

Tài sản bị “đóng băng”, Iran chỉ trích Mỹ

.

Việc trừng phạt Iran đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama phê chuẩn nhằm tiếp tục gây sức ép với Tehran xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.

Ngày 7-2, Iran chỉ trích việc Mỹ thắt chặt trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Tehran và trao cho các ngân hàng Washington quyền “đóng băng” tài sản của Chính phủ Hồi giáo này. Iran cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không gây ảnh hưởng đến Tehran.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (giữa) thăm cơ sở làm giàu uranium Natanz tại Tehran.                                                                                                                                         Ảnh: AP
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (giữa) thăm cơ sở làm giàu uranium Natanz tại Tehran. Ảnh: AP

Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast nhấn mạnh: Những giải pháp của Mỹ sẽ thất bại. Theo ông Mehmanparast, động thái của Washington là đòn chiến tranh tâm lý và diễn ra suốt 30 năm qua nên sẽ không có tác động gì đến Iran. Việc Tổng thống Barack Obama phê chuẩn lệnh trừng phạt sẽ phong tỏa toàn bộ tài sản và lợi ích của Chính phủ Tehran, Ngân hàng Trung ương và tất cả các tổ chức tài chính của Iran trong thẩm quyền của Mỹ. Song, giá trị khối tài sản chưa được tiết lộ. Iran hầu như không trực tiếp giao dịch thương mại với Mỹ sau 30 năm 2 nước đối đầu, nhưng tiền của Tehran vẫn lưu thông với hệ thống tài chính thế giới.

Hãng AP gọi động thái của Tổng thống Obama là “quả penalty mới” của Mỹ. Trong khi đó, Israel quan ngại các biện pháp trừng phạt không đủ để khuất phục Iran, quốc gia từng tuyên bố sẽ xóa Tel Aviv khỏi bản đồ thế giới.

Căng thẳng giữa Iran với phương Tây gia tăng khi Mỹ và Liên minh châu Âu đều muốn tấn công ngành công nghiệp dầu mỏ của Tehran để buộc Nhà nước Hồi giáo này phải ngừng chương trình hạt nhân vốn bị cáo buộc là tạo bom nguyên tử. Mỹ đã thúc đẩy dự luật cấm Iran xuất khẩu dầu mỏ cho EU và liên minh này sau đó cũng quyết định hạn chế nhập dầu từ Tehran. Dầu mỏ và khí đốt là nguồn sống còn trong giao dịch thương mại nước ngoài của Iran. Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá toàn diện về nền kinh tế Iran ước tính ngành xuất khẩu năng lượng của Tehran đạt 103 tỷ USD cho năm tài khóa tính đến tháng 3-2012, chiếm 78% tổng giá trị hàng xuất khẩu.  

Iran nói rằng, sau khi EU thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ vào ngày 23-1 vừa qua, Tehran sẽ đấu tranh với lệnh trừng phạt bằng các biện pháp của riêng mình. Song, cuộc tranh luận của Quốc hội Iran dự kiến ngày 30-1 về việc ngừng bán dầu thô cho EU đã bị hoãn. Giờ đây, tức giận trước việc Tổng thống Obama phê chuẩn lệnh trừng phạt của Mỹ, các nghị sĩ Iran khẳng định sẵn sàng thúc đẩy dự luật buộc Chính phủ Tehran cấm xuất khẩu dầu mỏ cho một số nước EU. Thậm chí, theo nghị sĩ Parviz Sarvari, có thể sẽ cấm cả hàng hóa khác của EU vào thị trường Iran. Người phát ngôn Mehmanparast còn cho hay, sẽ không thay đổi chương trình hạt nhân bất chấp áp lực của quốc tế bởi lẽ Tehran cần công nghệ hạt nhân để phục vụ điện năng chứ không phát triển vũ khí. “Việc trừng phạt không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến chương trình hạt nhân của chúng tôi và họ (phương Tây) sẽ không đạt được mục đích”, ông Mehmanparast nói. Cũng theo người phát ngôn này, Iran sẽ sớm gửi thư cho Cao ủy đối ngoại EU Catherine Ashton để đề cập việc nối lại đối thoại với các cường quốc.

Iran là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới. Hiện Mỹ tìm cách gây áp lực với các nước Trung Đông khác và châu Phi để sản xuất dầu bán cho châu Âu, thay thế Iran. Theo ­, khi bị áp đặt trừng phạt, giao dịch thương mại giữa Iran với châu Á cũng sẽ chậm lại.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.