.

Tàu chiến Mỹ áp sát Vịnh Persian

.

Sự xuất hiện của 2 tàu chiến Mỹ tại Vịnh Persian có thể càng làm dấy lên căng thẳng giữa Washington với Iran xung quanh những biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Tàu sân bay Abraham Lincoln của Mỹ đã băng qua eo biển Hormuz và đang ở Vịnh Persian.   Ảnh: AFP
Tàu sân bay Abraham Lincoln của Mỹ đã băng qua eo biển Hormuz và đang ở Vịnh Persian. Ảnh: AFP

Hai tàu chiến của Hải quân Mỹ gồm tàu hạt nhân USS Annapolis và tàu khu trục Momsen đã đi qua kênh đào Suez từ Địa Trung Hải tới Biển Đỏ. Điểm đến của 2 tàu chiến này vẫn chưa được tiết lộ nhưng theo Đài RT của Nga, các tàu đang tiến gần Vịnh Persian.

RT cho biết, chưa có tiết lộ nào liên quan đến điểm dừng chân của USS Annapolis và Momsen. Song, có những đồn đoán rằng, USS Annapolis và Momsen có khả năng trang bị các hệ thống phóng tên lửa Tomahawk và tiến đến Vịnh Persian để củng cố lực lượng Hải quân Mỹ đang hiện diện tại khu vực này. Thời gian gần đây, Mỹ tăng cường lực lượng Hải quân ở Vịnh Persian. Ngày 22-1, 2 nhóm tàu Mỹ, Anh và Pháp, trong đó dẫn đầu là tàu sân bay USS Ambraham Lincoln và USS Carl Vinson, đã đến Vịnh này. Một tàu sân bay khác của Mỹ mang tên USS Enterprise cũng dự kiến nối bước các tàu này vào tháng 3 tới.

Động thái của Mỹ trong việc điều tàu sân bay đến vùng Vịnh diễn ra khi căng thẳng giữa Washington và Iran đang gia tăng từng ngày. Khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi, trực tiếp nhằm vào ngành dầu mỏ của Tehran, lập tức nước Hồi giáo này đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố nếu Iran đóng cửa Hormuz là băng qua “vạch đỏ”. Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh nhóm các quốc gia Arab (GCC) cũng đe dọa đáp trả nếu Iran đóng cửa Hormuz. Hãng Reuters cho biết, 5 trong 6 thành viên GCC, bao gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Kuwait tuyên bố sẽ mở cửa xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Hormuz là eo biển hẹp nhưng là tuyến vận chuyển dầu chiến lược của thế giới nằm giữa Vịnh Oman với Iran với khoảng 16 triệu thùng dầu được trung chuyển mỗi ngày.  
Các thành viên GCC vốn phụ thuộc vào tuyến kênh dài 6,4 km, ngoại trừ Oman, để nhập khẩu lương thực. Chỉ huy Hải quân của lực lượng bảo vệ bờ biển Kuwait Mubarak Ali Al-Sabah khẳng định: Việc xuất khẩu dầu hoặc nhập khẩu lương thực và hàng hóa thông qua eo biển Hormuz là quan tâm chính của GCC. Theo ông Al-Sabah, GCC có kế hoạch để bảo đảm mọi hoạt động ở khu vực vẫn diễn ra an toàn, trong đó có việc phối hợp giữa lực lượng bảo vệ bờ biển với Hải quân của GCC, Hải quân phương Tây tuần tra vùng biển. Hải quân Mỹ, Úc và Pháp sẽ tham gia kế hoạch này.  

Hãng AFP cho hay, trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi nói rằng, Tehran chưa bao giờ tìm cách đóng cửa eo biển Hormuz, để bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực, đồng thời cho phép hoạt động của các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Song, hàng loạt động thái và tuyên bố liên tiếp gần đây đang đẩy Mỹ, châu Âu với Iran vào thế đối đầu gay gắt.


THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.