Syria có khả năng rơi vào nội chiến khi lực lượng quân đội nước ngoài được cho là đã hiện diện tại đất nước này, đồng thời xung đột giữa các lực lượng Chính phủ và quân nổi dậy vẫn tiếp diễn. Trong lúc đó, các Ngoại trưởng thuộc Liên đoàn Arab (AL) chiều 12-2 nhóm họp tại thủ đô Cairo của Ai Cập để quyết định động thái tiếp theo sau khi dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) ủng hộ kế hoạch của AL chống Syria bị “chết yểu” do lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc.
Lực lượng nổi dậy ở bên ngoài thành phố Idlib, Tây Bắc Syria. Ảnh: AP |
Các ngoại trưởng Arab thảo luận về sứ mệnh quan sát của Arab và LHQ để thay thế các quan sát viên của AL, những người đã rời khỏi Syria vào tháng 1 vừa qua. Việc công nhận nhóm Hội đồng Dân tộc Syria đối lập cũng được đề cập nhưng theo các quan chức, vấn đề này có thể không nhận được sự đồng tình của AL.
Homs, thành phố lớn thứ ba của Syria, cuối tuần qua vẫn chìm trong những cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Chính phủ và lực lượng nổi dậy. Truyền hình Syria cáo buộc nhóm nổi dậy Quân đội giải phóng Syria (FSA) đã dùng bom hạng nặng tấn công các cơ sở an ninh của Chính phủ làm thường dân thiệt mạng, nhưng FSA lại tuyên bố quân đội Chính phủ đứng sau vụ nổ bom ở thành phố Aleppo ngày 11-2 làm 28 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. FSA bao gồm những người Sunni đang trú chân ở Thổ Nhĩ Kỳ và nhận sự tài trợ của nước này cùng với Qatar và Saudi Arabia. Bạo loạn còn dẫn đến Chuẩn tướng Issa al-Khouli, Giám đốc Bệnh viện Quân y, đã bị bắn chết ở trước cổng nhà riêng tại Damascus. Báo chí Syria chỉ trích đây là “hành động của khủng bố”.
Trong dấu hiệu thỏa hiệp hiếm hoi, lực lượng của Tổng thống Assad đã tiến đến thị trấn Zabadani, gần biên giới Lebanon sau khi đồng ý ngừng bắn cùng lực lượng nổi dậy. Syria đã yêu cầu Iran hỗ trợ 15.000 binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm đến nước này để duy trì trật tự tại các tỉnh quan trọng. Đặc nhiệm Anh và Qatar cũng đã thâm nhập vào Syria, hiện đóng tại thành phố Homs, nhưng không trực tiếp tham gia chiến đấu mà chỉ đóng vai trò cố vấn quân sự cho phe nổi dậy. Trong một đoạn video dài 8 phút được đăng tải trên mạng Internet ngày 12-2, thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahri còn kêu gọi người Hồi giáo trên khắp thế giới Arab ủng hộ quân nổi dậy lật đổ ông Assad và thúc giục người dân Syria không thể dựa vào sự hỗ trợ của phương Tây.
Giới quan sát cho rằng, dù việc phủ quyết của Nga và Trung Quốc giúp Syria không rơi vào tình trạng tương tự Libya. Song, thỏa hiệp với phe nổi dậy hay không thì Tổng thống Bashar al-Assad cũng đang rơi vào thế khó khi đối mặt với quá nhiều sức ép. Ông Assad vẫn có sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu Syria trong khi phe đối lập bị chia rẽ về tư tưởng, vùng miền, sắc tộc... Vì vậy, nếu nội chiến xảy ra với “kịch bản Libya” tái diễn ở Syria, tình hình sẽ tồi tệ hơn bởi sự mâu thuẫn, xung đột giữa nhiều phe phái và cả sự “thọc tay” từ bên ngoài.
Thế giới vẫn đang bị chia rẽ về việc làm thế nào để kết thúc khủng hoảng ở Syria. Nga không muốn nước ngoài can thiệp vào quốc gia Trung Đông này, nhưng phương Tây và AL muốn ông Assad phải từ chức. Các nhà phân tích cho rằng, nếu Mátxcơva, vốn nắm quyền phủ quyết ở HĐBA LHQ, không lùi bước thì Mỹ, phương Tây và AL sẽ khó đạt được động thái trừng phạt Syria.
VĨNH AN