.

Thế giới tuần qua: Vai trò trung gian của Trung Quốc

.

Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ các đề xuất của Liên đoàn Arab (AL) nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị ở Syria và thể hiện mong muốn làm trung gian hòa giải để tìm một giải pháp phù hợp. Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc gặp gỡ giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trác Quân với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại thủ đô Damascus vào ngày 18-2.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trác Quân (giữa) gặp gỡ Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Damascus.                                                                                                     Ảnh: Reuters
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trác Quân (giữa) gặp gỡ Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Damascus. Ảnh: Reuters

Theo đó, Trung Quốc ủng hộ tất cả nỗ lực trung gian của AL để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Syria và kêu gọi các bên liên quan tăng cường thông tin, đàm phán, hướng đến “một giải pháp hòa bình, phù hợp” trong khuôn khổ đề xuất của AL. Bắc Kinh khẳng định sẵn sàng làm việc với Chính phủ Syria và phe đối lập cũng như AL. Tờ Global Times, phụ bản của tờ Nhân dân Nhật báo, cho rằng việc Trung Quốc cùng Nga phản đối dự thảo Nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), đồng thời từ chối chỉ trích bạo lực ở Syria, là hành động thách thức phương Tây và thể hiện sự ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các vấn đề thế giới.

Trung Quốc vốn phản đối bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến sự can thiệp nhân đạo, như chiến dịch không kích của NATO chống Libya vào năm ngoái. Nếu “kịch bản Libya” tái diễn ở Syria là điều mà cả Bắc Kinh lẫn Mátxcơva đều không muốn. Bởi lẽ, Damascus bị tổn hại sẽ kéo theo thiệt hại lợi ích không nhỏ đối với Bắc Kinh và Mátxcơva.   

Hãng Tân Hoa Xã dẫn lời Giám đốc Trung tâm Thông tin Arab Moustapha Saphariny cho rằng, việc Trung Quốc nói “không” với bản dự thảo Nghị quyết của HĐBA LHQ minh chứng Bắc Kinh có thể đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Theo chuyên gia này, Trung Quốc muốn thể hiện sự không thiên vị cho bất kỳ bên nào khi tình hình hiện tại đang rơi vào 2 “ngã rẽ”, để từ đó thực hiện nhiệm vụ trung gian hòa giải, thúc đẩy vai trò toàn cầu của Bắc Kinh. Hai “ngã rẽ” khiến vấn đề Syria bị giằng co. Mỹ và phương Tây ủng hộ giải pháp chống Syria, kết tội chế độ của Tổng thống Assad và kêu gọi ông từ chức. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc kêu gọi đối thoại chính trị giữa các bên xung đột.

Trong vấn đề Syria, Nga luôn bày tỏ lập trường cứng rắn chống lại giải pháp của Mỹ và phương Tây, bởi Mátxcơva có liên quan lợi ích mật thiết về kinh tế, chính trị với Damascus. Còn Trung Quốc ủng hộ quan điểm của Mátxcơva và chỉ 2 “ông lớn” này trong thường trực HĐBA bỏ phiếu chống, làm phật ý Mỹ, phương Tây cũng như AL. Không có lá phiếu của Bắc Kinh và Mátxcơva, đề xuất của AL bị đổ vỡ, bản Nghị quyết của HĐBA LHQ bị “chết yểu”. Nay nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên tiếng ủng hộ giải pháp của AL nhưng trong khuôn khổ “một giải pháp hòa bình, phù hợp”. Ngoài Nga, Trung Quốc, còn có Iran, Venezuela,

CHDCND Triều Tiên và các nước khác, cũng chống lại hướng đi của HĐBA LHQ trong vấn đề Syria.
Với động thái mới nhất của Trung Quốc, chưa rõ khủng hoảng Syria sẽ rẽ theo hướng nào và vai trò trung gian hòa giải của Bắc Kinh lẫn Mátxcơva có được sự chấp thuận của Mỹ cùng phương Tây hay không. Song, dù Nga cam kết sẵn sàng thỏa hiệp với các thành viên HĐBA LHQ để giải quyết khủng hoảng, nhưng chắc chắn

Mátxcơva sẽ không thay đổi hoàn toàn “ngã rẽ”. Trong khi đó, tại Damascus, lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad tuyên bố nhà lãnh đạo này sẽ chiến đấu đến phút cuối cùng.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.