Mỹ loại trừ 11 quốc gia khỏi danh sách bị trừng phạt về tài chính như biện pháp kêu gọi sự ủng hộ với Washington trong vấn đề cấm vận Iran.
Cơ sở hạt nhân nước nặng của Iran nằm gần trung tâm thành phố Arak, phía Tây Nam Tehran. Ảnh: AP |
Nhật Bản và 10 quốc gia châu Âu (bao gồm: Bỉ, Anh, CH Czech, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Hà Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha) được xếp vào danh sách miễn trừ bị Mỹ trừng phạt về tài chính bởi các nước này đã cắt giảm đáng kể lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ - 2 khách hàng lớn nhất của Tehran, cùng với Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ - 2 đồng minh của Mỹ - vẫn có tên trong “danh sách đen”.
Hãng Reuters cho rằng, quyết định trên được công bố là chiến thắng của 11 nước, khi ngân hàng của các quốc gia này vốn đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi hệ thống tài chính Mỹ trong 6 tháng theo các biện pháp trừng phạt mới của Washington đối với Iran. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, Washington muốn 11 nước trên hành động, đồng thời thúc giục các nước khác theo gương những quốc gia này trong việc hạn chế nhập khẩu dầu của Iran.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi đã hoan nghênh quyết định của Mỹ và khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Các quan chức Mỹ cho rằng, Nhật Bản là hình mẫu trong việc cấm vận Iran bởi 6 tháng cuối năm ngoái, Tokyo đã cắt giảm từ 15-22% lượng dầu nhập khẩu từ quốc gia Trung Đông này.
Theo Carlos Pascual, đặc sứ Bộ Ngoại giao Mỹ và điều phối viên về các vấn đề năng lượng quốc tế, nếu Nhật Bản có thể hành động như trước thì sẽ càng trở thành hình mẫu cho các nước khác bởi Tokyo đối mặt với sự thiếu hụt năng lượng sau thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy Fukushima Daiichi. Ngay sau đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nhấn mạnh sẽ tiếp tục giảm đáng kể lượng dầu nhập từ Iran. Năm ngoái, dầu thô của Iran chiếm khoảng 8,8% lượng dầu nhập của Nhật Bản, với 3,6 triệu thùng/ngày. 1/2 lượng dầu nhập của Tokyo do Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cung cấp.
Mỹ không đưa ra tiêu chí cụ thể nào cho việc miễn trừ trừng phạt tài chính mà chỉ nói rằng, các nước thoát “danh sách đen” cần giảm đáng kể lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran và phải tiếp tục làm như thế. Hãng AP dẫn nguồn tin từ Bộ Kinh tế Hàn Quốc cho biết, Chính phủ Seoul sẽ sớm tổ chức đối thoại với Mỹ. Là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 5 thế giới, năm 2011, Hàn Quốc đã gia tăng sản lượng dầu nhập từ Iran lên 20%. Song, năm nay, các nhà máy lọc dầu của quốc gia vùng Đông Bắc Á này đã ký thỏa thuận nhập khẩu dầu của Iran ít hơn.
Mỹ đã siết chặt cấm vận Iran do cáo buộc Tehran đang phát triển vũ khí hạt nhân. Trong đó, các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp dầu thô của Tehran. Tất cả 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều thống nhất thực hiện lệnh cấm vận này bằng cách giảm lượng dầu nhập khẩu từ ngày 23-1 vừa qua và giảm dần các hợp đồng từ ngày 1-7 tới. Giá dầu trên thế giới trong những tuần gần đây tăng cao do những quan ngại về căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran và về khả năng khan hiếm nguồn dầu trên thị trường toàn cầu. Ngày 21-3, giá dầu tăng lên gần 107 USD/thùng ở châu Á.
Saudi Arabia, nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, khẳng định sẽ có thể nhanh chóng thúc đẩy sản lượng tăng 25% nếu nguồn cung cấp dầu cho toàn cầu đột ngột gián đoạn.
Ray Takeyh, chuyên gia của Iran tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nói rằng việc miễn trừ đối với Nhật Bản và 10 nước châu Âu nằm trong dự đoán bởi các nước này đã cắt giảm nhập khẩu dầu của Tehran. Theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng quốc gia của Mỹ năm 2012, Tổng thống Barack Obama có thể áp đặt biện pháp trừng phạt tài chính đối với các ngân hàng nước ngoài thực hiện giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran “vì mua xăng dầu hoặc các sản phẩm xăng dầu từ Iran”. Song, luật cũng cho phép Tổng thống Mỹ có quyền miễn trừ, theo đó có thể không áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu xác định nước đó đã giảm đáng kể khối lượng dầu thô mua từ Iran.
THIÊN BÌNH