.

Cân bằng tiềm lực

Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ đã trải qua nhiều sóng gió. Đường biên giới giữa 2 nước đến nay vẫn là vấn đề vô cùng nhạy cảm. 2.000km đường biên giữa Ấn Độ và Trung Quốc vốn là nguồn gốc gây căng thẳng thường xuyên giữa 2 nước dù đã có nhiều cuộc đối thoại song phương kể từ thập niên 80 để tìm kiếm thỏa thuận, nhưng vẫn chưa yên. Tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã loan báo tăng 11,2% chi tiêu quân sự cho năm 2012, lên 106,41 tỷ USD. Tỷ lệ tăng chi ở mức 2 con số này cao hơn cả tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc (9,2% trong năm 2011) nhằm đẩy mạnh trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại cho quân đội.

Còn Pakistan vẫn là mối lo cho Ấn Độ, vì Islamabad từng tiến hành 3 cuộc chiến tranh chống New Delhi kể từ khi độc lập vào năm 1947, trong đó có 2 cuộc chiến liên quan đến vùng Cachemire, nơi đang có tranh chấp đôi bên. Trong khi đó, Pakistan là đồng minh thân cận của Trung Quốc, đồng thời là nhân tố tác động không nhỏ đến chính sách đối ngoại giữa 2 quốc gia có số dân đông nhất châu Á và thế giới này.  

Để đối phó với động thái trên của Trung Quốc và mối quan hệ mong manh với Pakistan, Ấn Độ không thể bó tay ngồi chờ một phép mầu để giữ vững sự ổn định, hòa bình của đường biên giới với Pakistan và Trung Quốc mà ngay lập tức tăng cường ngân sách quốc phòng. Ngày 16-3, phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee cho hay, nước này dự kiến tăng 17% ngân sách thường niên dành cho quốc phòng, đạt mức 40 tỷ USD, nhằm đối phó với sự phát triển quân sự nhanh chóng của Trung Quốc và đối thủ truyền thống Pakistan. Ông Pranab Mukherjee nói rằng, khoản tiền này dựa trên cơ sở nhu cầu hiện tại của quân đội và tất cả các nhu cầu phát sinh cũng sẽ được đáp ứng, trong dịp đệ trình dự thảo ngân sách 2012-2013 lên Quốc hội từ ngày 1-4 tới. Nếu con số này được Quốc hội phê chuẩn thì sẽ tăng gấp 3 lần so với vài năm trước đây.

Việc gia tăng ngân sách quốc phòng diễn ra sau khi New Delhi tăng thêm 12% chi tiêu quốc phòng trong ngân sách dự trù năm ngoái. Ấn Độ đang lao vào mua sắm đủ loại thiết bị quân sự, từ phi cơ tiêm kích, pháo hạng nặng đến tàu ngầm, khiến quốc gia này trở thành nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Ngoài việc mua tàu ngầm hạt nhân, sản xuất máy bay, xe tăng hạng nặng theo giấy phép của Nga với tổng giá trị hàng chục tỷ USD, Ấn Độ đang đàm phán với Tập đoàn Dassault Aviation của Pháp mua 126 máy bay Rafale - hợp đồng mua sắm vũ khí lớn nhất của nước này trong 15 năm qua. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có kế hoạch mua 145 khẩu pháo hạng nặng, 197 máy bay trực thăng chiến đấu và các loại vũ khí trang bị khác trong năm nay. Như vậy, trong 10 năm tới, Ấn Độ có kế hoạch chi tiêu hơn 100 tỷ USD cho việc mua sắm quốc phòng. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Tờ Bloomberg cho biết, theo kế hoạch này, quân đội Ấn Độ sẽ sớm bắt kịp Trung Quốc. Còn tờ Dân tộc của Pakistan bình luận: Ấn Độ đã thể hiện rõ mục tiêu trở thành cường quốc quân sự thế giới. Các nhà quan sát đánh giá việc Ấn Độ tăng cường tiềm lực quốc phòng nhanh chóng như vậy là để cân bằng với Trung Quốc và cũng nhằm đối phó với 2 quốc gia láng giềng là Bắc Kinh và Islamabad cả trước mắt lẫn lâu dài.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.