.

Đi không được, ở không xong

Chiến lược rút quân đội Mỹ và các đồng minh được gọi là Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO dẫn đầu ra khỏi cuộc xung đột ở Afghanistan đang là mối đau đầu đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đối mặt với hàng loạt vụ việc bất lợi, thái độ bực tức của Chính phủ Kabul và tâm trạng ngao ngán, chán nản chiến tranh trong công luận Mỹ.

Mục tiêu mà Mỹ đề ra là khi rút hết quân chiến đấu vào năm 2014, Afghanistan sẽ có một chính phủ ổn định, đủ khả năng bảo đảm an ninh trên toàn lãnh thổ, ngăn chặn sự hồi sinh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Các vụ lính Mỹ đốt Kinh Hồi giáo Koran, một hạ sĩ quan Mỹ vô cớ bắn 16 thường dân, lính Afghanistan quay súng bắn chết các binh sĩ ISAF… khiến quan hệ giữa 2 Tổng thống thêm căng thẳng.
Trong khi đó, đàm phán hòa bình với Taliban là giải pháp được giới quan sát cho là khả thi nhất, thì hôm 15-3, phe này thông báo rút khỏi các cuộc thảo luận sơ bộ với Mỹ, một động thái càng làm vấn đề thêm khó khăn.

Mặt khác, quyết định của Washington đưa binh sĩ bắn chết 16 thường dân Afghanistan về Mỹ đã khiến Tổng thống Hamid Karzai rất bực tức. Ông Karzai chỉ trích gay gắt thái độ không hợp tác của Mỹ trong vụ này và cho rằng, đó là điều không thể khoan dung được nữa. Trong cơn thịnh nộ, Tổng thống Karzai tuyên bố quân đội Afghanistan sẽ thay thế ISAF đảm trách an ninh ngay trong năm 2013, thay vì cuối năm 2014. Sau đó, trong 2 lần điện đàm và do sức ép của ông Obama, Tổng thống Afghanistan đã thay đổi ý kiến. Song, điều này lại càng gây thêm nghi ngờ về khả năng của ISAF hoàn tất được nhiệm vụ duy trì an ninh, ổn định tình hình ở Afghanistan.

Theo ông Moeed Yusuf, thuộc Viện Hòa bình Mỹ, trước các sự cố liên tiếp xảy ra, ngày càng khó để 2 nguyên thủ quốc gia đạt được đồng thuận. Nếu tình hình này tiếp diễn, Mỹ ít có khả năng duy trì được kế hoạch rút quân, bởi thành công của chiến lược phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của tầng lớp trung lưu Afghanistan. Ông Stephen Biddle, thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nhận định: Khi ISAF rút hết quân khỏi Afghanistan, tình hình quân sự tại nước này sẽ rơi vào bế tắc. Ông khẳng định không ai mong đợi là lực lượng Afghanistan có đủ khả năng bảo đảm an ninh các khu vực khác ngoài những nơi được ISAF trao trả quyền quản lý. Còn Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kêu gọi ISAF không rút quân khỏi Afghanistan trước khi Chính phủ Kabul có khả năng đảm bảo an ninh. Theo ông Lavrov, ISAF triển khai tại Afghanistan theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và phải thực hiện đầy đủ sự ủy thác này.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối mùa hè 2012, Mỹ sẽ rút 23.000 quân ra khỏi Afghanistan. Tổng thống Obama vừa tái khẳng định sẽ không thay đổi kế hoạch này, nhưng một số nhà quan sát dự báo Mỹ có thể sẽ rút thêm quân trong năm 2013.

Năm 2012, nước Mỹ tiến hành bầu cử Tổng thống. Ông Obama đã tự hào về việc chấm dứt được sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Iraq và rất muốn tuyên bố rằng, ông sẽ rút hết binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn hiểu rằng, việc vội vã rút quân khỏi Afghanistan sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, mà chính ông sẽ phải đương đầu giải quyết khi tái đắc cử Tổng thống.

Bởi vậy, quyết định đi hay ở của ISAF trong lúc này đối với Mỹ và NATO đều không dễ dàng chút nào!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.