.

Đổi hạt nhân lấy lương thực

.

Cam kết ngừng chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên để đổi lấy viện trợ lương thực từ phía Mỹ đã nhận được những phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế.

Năm 2008, Mỹ cam kết gửi 500.000 tấn gạo cho CHDCND Triều Tiên, nhưng chương trình bị cắt ngắn chỉ một năm sau đó.  TRONG ẢNH: Một công nhân CHDCND Triều Tiên vận chuyển lúa mì do Mỹ viện trợ ở cảng Nampo.                                                                              Ảnh: AFP
Năm 2008, Mỹ cam kết gửi 500.000 tấn gạo cho CHDCND Triều Tiên, nhưng chương trình bị cắt ngắn chỉ một năm sau đó. TRONG ẢNH: Một công nhân CHDCND Triều Tiên vận chuyển lúa mì do Mỹ viện trợ ở cảng Nampo. Ảnh: AFP

Động thái mới của Bình Nhưỡng diễn ra sau khi các quan chức ngoại giao của nước này đối thoại với Mỹ tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tuần trước. Tiến triển xung quanh vấn đề hạt nhân đánh dấu sự thay đổi lớn chỉ sau hơn 2 tháng Đại tướng Kim Jong-un kế nhiệm cha, cố Chủ tịch Kim Jong-il.

“Bước đi tích cực đầu tiên”

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney ngày 1-3 gọi quyết định của CHDCND Triều Tiên ngừng làm giàu uranium, ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa để đổi lấy viện trợ lương thực là “bước đi tích cực đầu tiên” hướng đến giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng CHDCND Triều Tiên sẽ thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa và thúc giục tổ chức họp khẩn cấp để đáp ứng các yêu cầu nhân đạo cho người dân Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hoan nghênh mối quan hệ đang ấm lên giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ. Trung Quốc vốn là đồng minh lớn nhất và nước bảo trợ kinh tế lớn nhất của quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên. Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với các bên liên quan để tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán 6 bên, đồng thời giữ vai trò xây dựng trong việc thực hiện hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho rằng, thỏa thuận “đổi hạt nhân lấy lương thực” là bước đi quan trọng. Song, Tokyo muốn có những hành động cụ thể cần thiết. Trong khi đó, Hàn Quốc - vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong quan hệ với người láng giềng phía Bắc - nhấn mạnh thỏa thuận phản ánh sự hợp tác chặt chẽ giữa Washington với Seoul.

Trước đó, tối 29-2, Mỹ cho biết, CHDCND Triều Tiên bất ngờ tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân; đổi lại, Washington sẽ cung cấp 240.000 tấn gạo “hỗ trợ dinh dưỡng”, chủ yếu dành cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Bộ Ngoại giao Mỹ còn nói rằng, Bình Nhưỡng đồng ý cho phép các thanh sát viên LHQ trở lại để giám sát các lò phản ứng ở Yongbyon, xác minh việc thực hiện của quốc gia châu Á này. Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đã xác nhận thông tin trên.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ có bao nhiêu thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ được đến Bình Nhưỡng và có phải tất cả chương trình vũ khí hạt nhân đều ngừng hoạt động hay không? Các nhà phân tích vẫn bày tỏ quan ngại xung quanh khả năng tồn tại các cơ sở làm giàu uranium khác ngoài Yongbyon mà chưa được phát hiện. IAEA nói rằng sẵn sàng với sứ mệnh và mô tả thỏa thuận ngừng hạt nhân là một bước tiến quan trọng.

Khả năng nối lại đàm phán

Giới phân tích nhận định: Việc CHDCND Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân mở đường để nối lại đàm phán 6 bên. Năm 2005, CHDCND Triều Tiên đã đồng ý từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy viện trợ và những nhượng bộ chính trị. Đây là một trong những điều kiện của Bình Nhưỡng trong đàm phán 6 bên, với sự tham gia của 2 miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Tuy nhiên, đàm phán bị bế tắc từ tháng 4-2009 và cũng trong năm này, CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa nhiều tầng, đồng thời yêu cầu các thanh sát viên LHQ rời khỏi Bình Nhưỡng. Sau đó, bất chấp nỗ lực của quốc tế, đàm phán 6 bên vẫn bị “treo”, khu vực Đông Bắc Á vẫn trong tình trạng căng thẳng. Liên hệ giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên bắt đầu lại vào tháng 7-2011 nhưng không có tiến triển nào đáng kể. Cũng có nguồn tin cho rằng, 2 bên đã gần đi đến thỏa thuận vào tháng 12 năm ngoái nhưng việc ông Kim Jong-il qua đời đã khiến tiến trình bị gián đoạn.   

Theo AP, tuyên bố bất ngờ của CHDCND Triều Tiên là một bước tiến trong chiến dịch của Mỹ nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân trên khắp thế giới, đồng thời diễn ra trong lúc Chính phủ của Tổng thống Barack Obama gia tăng áp lực đối với Iran. Trong tháng 3 này, ông Obama sẽ đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân. Tuần tới, nhà đàm phán hàng đầu của CHDCND Triều Tiên - Thứ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho sẽ đến New York để hội đàm với các quan chức Mỹ về thỏa thuận “đổi hạt nhân lấy lương thực”.

Các nhà phân tích ở Mỹ đều xem quyết định của CHDCND Triều Tiên là minh chứng về quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng đang được dần tháo gỡ. Jack Pritchard, cựu chuyên gia đàm phán của Mỹ với Hàn Quốc, hiện đứng đầu Viện Kinh tế Hàn Quốc, cho rằng nếu CHDCND Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân sẽ là yếu tố để kiểm soát trở lại chương trình phát triển hạt nhân cũng như những cơ sở đang tồn tại của nước này. Song, ông Pritchard hoài nghi về việc nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lại sẵn sàng hủy bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng dày công xây dựng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.