.

“Gánh nặng bất công”

Giáo hoàng Benedict XVI vừa có chuyến công du Mỹ Latinh. Đây là lần thứ hai một người đứng đầu Tòa thánh Vatican tới quốc đảo vùng Caribe này sau chuyến thăm lịch sử của Giáo hoàng John Paul II vào năm 1998. Chuyến thăm của Giáo hoàng Benedict XVI tới Cuba được dư luận quốc tế quan tâm vì đây quốc gia đang bị Mỹ duy trì chính sách bao vây cấm vận kéo dài hơn nửa thế kỷ qua.

Ngày 28-3, Giáo hoàng Benedict XVI đã có buổi tiếp kiến lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro tại Tòa khâm sứ của Vatican ở thủ đô Havana và thảo luận về những vấn đề lớn mà nhân loại đang đối mặt trong bầu không khí rất chân tình. Giáo hoàng Benedict XVI và lãnh tụ Fidel đã nói chuyện sôi nổi về hàng loạt vấn đề, từ sinh thái, văn hóa, khoa học, tôn giáo cho tới những thách thức lớn lao trên thế giới hiện nay.

Phát biểu với báo giới trước khi rời Havana, Giáo hoàng Benedict XVI đã mạnh mẽ chỉ trích chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba. Giáo hoàng Benedict XVI gọi lệnh cấm vận này là “gánh nặng bất công” đối với người dân Cuba, ảnh hưởng tiêu cực tới những nỗ lực thiết lập một xã hội đổi mới và hòa hợp, cũng như tới đời sống của người dân Cuba. Trước đó, ngày 16-3, người phát ngôn Tòa thánh Vatican Federico Lombardi đã cáo buộc cuộc bao vây cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại của Mỹ chống Cuba là chính sách vô ích, gây tổn hại cho quốc đảo vùng Caribe này. Ông Lombardi khẳng định Tòa thánh luôn cho rằng, chính sách đơn phương của Mỹ nhằm bóp nghẹt Cuba là những biện pháp tiêu cực. Đồng thời, ông Lombardi nhấn mạnh: Nhân dân Cuba là những người phải chịu đựng nhiều nhất hậu quả của chính sách tàn bạo kéo dài suốt nửa thế kỷ qua.

Không những Giáo hoàng Benedict XVI mà hàng trăm quốc gia trên thế giới tại diễn đàn Đại hội đồng LHQ và các diễn đàn quốc tế khác đã nhiều lần lên án chính sách bao vây cấm vận lỗi thời của Mỹ đối với Cuba. Gần đây nhất vào ngày 25-10-2011, với 186 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng (Mỹ và Israel bỏ phiếu chống, trong khi các hòn đảo Marshall, Micronesia và Palau bỏ phiếu trắng), Đại hội đồng LHQ một lần nữa thông qua Nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay lập tức lệnh bao vây cấm vận chống Cuba. Đây là lần thứ 20 liên tiếp Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết “Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cuba”. Trong khi đó, theo số liệu thống kê chính thức do Havana công bố, thiệt hại kinh tế do cuộc bao vây cấm vận của Mỹ đối với Cuba từ năm 1962 tới nay đã lên tới 975 tỷ USD. Không những vậy, tác động của chính sách bao vây cấm vận đã làm nền kinh tế Cuba chậm phát triển, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điều đó cho thấy, Mỹ và phương Tây vẫn luôn áp dụng chính sách 2 mặt trong các vấn đề về quan hệ quốc tế. Họ luôn rêu rao về dân chủ, nhân quyền; về tự do kinh tế; về quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền; nhưng lại vi phạm những quy tắc nền tảng của luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế, Hiến chương LHQ và những chuẩn mực cùng nguyên tắc quan hệ hòa hảo giữa các quốc gia, thực hiện các chính sách bao vây, cấm vận lên đất nước Cuba chỉ vì nước này không đi theo con đường mà Mỹ và phương Tây muốn áp đặt. Chính sách của Mỹ nhằm vào Cuba không chỉ là một “gánh nặng bất công” mà là tội ác đã và đang bị dư luận quốc tế cùng người dân Mỹ lên án, phản đối mạnh mẽ, đồng thời đòi hủy bỏ vô điều kiện.

TUYẾT MINH
 

;
.
.
.
.
.