.

Hai nỗi lo song hành

Diễn biến tại khu vực Đông Bắc Á đẩy Nhật Bản đứng trước 2 thách thức lớn về an ninh quốc gia, đó là vấn đề hạt nhân và chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên; sự gia tăng tiềm lực quân sự cùng các hoạt động gây hấn trên biển của Trung Quốc.

 Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên tuy không mới, nhưng Nhật Bản xem đây là mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng. Tokyo đã cùng Mỹ tiến hành trừng phạt kinh tế, gây áp lực ngoại giao đối với Bình Nhưỡng để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng không đạt kết quả như mong muốn. Gần đây, CHDCND Triều Tiên bắt đầu mở kênh đối thoại với Mỹ về vấn đề hạt nhân, nhưng kết quả ra sao vẫn là chuyện khó đoán định. Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại thông báo sắp phóng tên lửa mang theo vệ tinh, gây xôn xao dư luận quốc tế. Nhật Bản đang đề nghị Mỹ và Trung Quốc gây sức ép đối với Bình Nhưỡng để ngừng vụ phóng. Đồng thời, Tokyo đang triển khai tên lửa PAC-3 tại 2 hòn đảo Okinawa và Ishigaki để bắn chặn tên lửa của CHDCND Triều Tiên nếu bay qua vùng lãnh thổ nước này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang sắp xếp để triển khai tàu khu trục Aegis đến biển Hoa Đông và biển Nhật Bản nhằm bảo vệ thủ đô Tokyo trong trường hợp tên lửa của CHDCND Triều Tiên đi chệch hướng.

Đối với Trung Quốc, ngoài việc tăng ngân sách quốc phòng lên 2 con số từ năm 2012, thúc đẩy trang bị, hiện đại hóa quân đội làm các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động gây hấn với các nước có chung đường biên giới, nhất là các vùng biển còn tranh chấp, gây bất an cho nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Đáng chú ý, tờ Nhân dân nhật báo ngày 21-3 đăng trả lời phỏng vấn quan chức Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này sẽ tiếp tục tuần tra định kỳ trên vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư (phía Nhật Bản gọi là Senkaku). Bài phỏng vấn cho hay, việc tuần tra là nhằm phá vỡ sự quản lý của Nhật Bản tại khu vực này. Theo nguồn tin thân cận với các mối quan hệ quân sự Nhật - Trung, Bắc Kinh lo ngại “cộng đồng quốc tế có thể đưa ra phán quyết rằng, Điếu Ngư là lãnh thổ thuộc Nhật Bản nếu Tokyo tiếp tục quản lý quần đảo này hơn 50 năm”. Còn báo giới Nhật Bản nhận định: Trung Quốc sẽ gia tăng các hành động cứng rắn trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày Mỹ trả lại đảo Okinawa, bao gồm cả quần đảo Senkaku, cho Nhật Bản.

Những diễn biến nói trên của CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc đã làm Nhật Bản cảm thấy bất an. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhanh chóng cảnh báo Lực lượng Phòng vệ (SDF) về 2 nguy cơ an ninh nghiêm trọng đối với nước này, gồm các động thái đẩy nhanh chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đồng thời nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự cùng các hoạt động trên biển của Trung Quốc.

Để đối phó với 2 mối đe dọa cùng lúc, Nhật Bản đã tăng cường sức mạnh cho SDF như trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn, bổ sung nâng cấp nhiều tàu chiến hiện đại, mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ… Mặt khác, Tokyo tiếp tục coi Mỹ là đồng minh chiến lược, duy trì các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản để làm chỗ dựa nhằm nâng cao khả năng tự vệ. Thủ tướng Noda từng nhấn mạnh: “Đồng minh Nhật - Mỹ là nền tảng và tài sản lớn nhất của ngoại giao, an ninh Nhật Bản”.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.