.

Khôi phục niềm tin

Nền kinh tế Thái Lan từng có tốc độ phát triển mạnh và giữ vị trí xứng đáng trong khu vực cũng như cả châu Á. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Thái Lan phải đối mặt với những thách thức lớn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, đặt biệt là tác động của thiên tai, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế sụt giảm, các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển hướng, đưa các cơ sở sản xuất của mình đến nước khác để tránh những thiệt hại như trận lụt lịch sử năm 2011. Trong khi đó, ngày 12-3 vừa qua tại Bangkok, nhân hội nghị về biến đổi khí hậu, Ngân hàng Phát triển châu Á cảnh báo các nước châu Á phải đầu tư ít nhất 40 tỷ USD mỗi năm trong vòng 40 năm tới để cải thiện cơ sở hạ tầng, nếu muốn tránh thảm họa thiên tai.

Rút kinh nghiệm nạn lũ lụt làm 800 người chết, gây tê liệt cho ngành công nghiệp và nông nghiệp vào năm ngoái, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhanh chóng đưa ra biện pháp cụ thể nhằm trấn an dân chúng và doanh nghiệp trong nước. Tiếp xúc với báo chí tại Câu lạc bộ phóng viên ngoại quốc vào cuối tuần qua, Thủ tướng Yingluck thông báo Chính phủ dự kiến đầu tư đến 72 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới, đồng thời tiếp tục chính sách phát triển kinh tế theo chiều hướng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Đặc biệt, trước những thách thức mà Thái Lan phải đối phó sau cơn lũ nghiêm trọng hồi năm 2011, phá hoại mùa màng và làm tê liệt nhiều lĩnh vực từ công nghiệp đến giao thông, Bangkok sẽ chi 17 tỷ USD trong vòng 5 năm tới vào hạ tầng cơ sở để “gia tăng khả năng cạnh tranh kinh tế và nâng cao đời sống dân chúng”. Cụ thể, sẽ đầu tư 1,4 tỷ USD vào chương trình “trị thủy” để không tái diễn lũ lụt gây tử vong cho nhiều người dân, làm sập hàng trăm ngàn căn nhà, gây tê liệt các hoạt động trong nhiều tháng liền. Về giao thông, dự kiến giữa thủ đô Bangkok và thành phố Chiang Mai ở phía Bắc sẽ được nối bằng đường xe lửa cao tốc. Mục tiêu xây dựng tuyến đường này nhằm phát triển khu vực giàu tiềm năng nhưng chưa phát triển và nâng cao đời sống của người dân.

Mặt khác, để khôi phục sự tin tưởng của giới đầu tư nước ngoài vào tiềm năng của Thái Lan, Chính phủ nước này đang lên kế hoạch khá quy mô nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Trong trận lụt kéo dài nhiều tháng hồi năm ngoái, khu kỹ nghệ ngoại ô Bangkok bị tê liệt hoàn toàn, gây thiệt hại dây chuyền sản xuất linh kiện của Tập đoàn Toyota (Nhật Bản). Thủ tướng Yingluck bác bỏ quan điểm về hệ quả của nạn lụt, cũng như những chỉ trích cho rằng quyết định tăng lương tối thiểu của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-4 tới, có thể làm giới đầu tư quốc tế bỏ đi. Bà Yingluck nhấn mạnh mức lương tối thiểu bị kiềm giữ từ 10 năm nay đã đến lúc phải được cải thiện để nâng cao thu nhập cho người lao động. Đồng thời, bà Yingluck cho rằng, doanh nhân nước ngoài đầu tư vào Thái Lan không phải vì giá nhân công rẻ, mà vì họ “nhìn thấy tiềm năng của Thái Lan, với vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á”. Vì vậy, Thủ tướng Yingluck cho rằng việc tập trung đầu tư cải thiện hạ tầng cơ sở là chiến lược của Chính phủ Thái Lan nhằm chinh phục niềm tin của doanh nhân quốc tế cả trước mắt lẫn lâu dài.  

Khôi phục sự yên tâm, tin tưởng không chỉ của người dân, các nhà doanh nghiệp trong nước mà cả các nhà đầu tư nước ngoài để vực dậy nền kinh tế bị sa sút nghiêm trọng do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và thiên tai đang là ưu tiên số một của Chính phủ Thái Lan do bà Yingluck đứng đầu. Theo các nhà kinh tế, với mức đầu tư như vậy, Thái Lan đang quyết giành lại vị trí hàng đầu về tốc độ phát triển kinh tế trong khu vực trong 5 năm đến.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.