.

Mỹ gia tăng áp lực với Iran

.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cam kết thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới chống lại Iran xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đến thăm cơ sở làm giàu uranium Natanz. Ảnh: AFP
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đến thăm cơ sở làm giàu uranium Natanz. Ảnh: AFP

Phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 28-2 (sáng 29-2, giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng, những gì mà Washington đang làm là thúc đẩy nhanh các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Iran. Bà Clinton thúc giục Mỹ cần phối hợp với các nước khác gia tăng áp lực nhằm ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo đó, các chuyên gia của Mỹ đã thảo luận với các quốc gia đồng minh về những điều kiện cần thiết để giảm nhập khẩu dầu từ Iran và cắt đứt giao dịch với Ngân hàng Trung ương Tehran. Bà Clinton khẳng định: Các thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó một số nước phụ thuộc từ 30-35% lượng dầu nhập khẩu của Iran, và Nhật Bản là một trong số nước tiêu thụ dầu hàng đầu của Tehran. Hãng Reuters dẫn lời người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đang nỗ lực để hỗ trợ các nước tìm kiếm nguồn cung ứng dầu thay thế. Bà Clinton cho rằng, các đồng minh của Mỹ đang đối diện với cùng một tình huống: Mối quan ngại thiếu dầu. Song, Nhật Bản dù đang chịu tác động nặng nề từ thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân nhưng vẫn giảm lượng dầu nhập của Iran từ 15 - 20%. Không chỉ Nhật mà cả Hàn Quốc cũng cắt giảm dầu nhập khẩu từ đối tác Iran.

Lệnh trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với Iran được Tổng thống Barack Obama ký thông qua vào ngày 31-12-2011 và có hiệu lực từ ngày 29-2-2012. Song, không chỉ Mỹ mà EU và các nước khác cũng tiến hành hàng loạt biện pháp trừng phạt Tehran. Quyết định của Mỹ lại dẫn đến việc các nước khác phải điều chỉnh vấn đề nhập khẩu dầu của Iran. Nhật báo Nikkei của Nhật Bản cho hay, nước này có thể cắt giảm hơn 20% dầu nhập từ Iran để giành sự ủng hộ của Mỹ. Số liệu thống kê của Tokyo cho thấy, lượng dầu xuất khẩu của Tehran đã giảm 22,5% trong tháng 1, còn khoảng 339.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, Trung Quốc, đối tác mua dầu nhiều nhất của Iran, vẫn tiếp tục việc nhập khẩu dầu của nước Hồi giáo này, và Ấn Độ cũng có động thái tương tự.

Trong lúc chống chọi với áp lực, trong đó có đe dọa của Israel, Iran đã kêu họi đàm phán với các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), đồng thời lên án việc sản xuất vũ khí nguyên tử là một “tội lỗi lớn”. Iran vốn khẳng định chương trình hạt nhân của mình nhằm mục đích hòa bình nhưng các cuộc đàm phán với IAEA đang bế tắc và những hoài nghi về chương trình hạt nhân của Tehran chưa được tháo gỡ. Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) khi tham dự Hội nghị giải trừ quân bị do Liên Hợp Quốc bảo trợ, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi bày tỏ mong muốn nối lại đối thoại với IAEA và cho rằng các cuộc thảo luận sẽ đi đúng hướng. Thổ Nhĩ Kỳ hiện sẵn sàng chủ trì đàm phán giữa Iran với các cường quốc. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, ông sẽ trao đổi với người đồng cấp Iran vào tuần tới xung quanh vấn đề này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.