.

Mỹ - Hàn thực thi thỏa thuận gây tranh cãi

.

Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) của Hàn Quốc và Mỹ có hiệu lực từ ngày 15-3, bất chấp các cuộc biểu tình vẫn diễn ra ở Seoul.

Các nghị sĩ đối lập và các nhà hoạt động ở Hàn Quốc phản đối FTA với Mỹ.        Ảnh: AFP
Các nghị sĩ đối lập và các nhà hoạt động ở Hàn Quốc phản đối FTA với Mỹ. Ảnh: AFP

FTA vốn gây nhiều tranh cãi cho cả Mỹ lẫn Hàn Quốc từ khi 2 nước tiến hành đàm phán. Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Myung-bak vui mừng khi FTA chính thức có hiệu lực từ ngày 15-3, các chính trị gia đối lập ở Seoul cam kết sẽ “tẩy chay” những phần trong thỏa thuận mà họ không thích.

Trao đổi qua điện thoại, ông Obama và ông Lee Myung-bak đều chào đón việc FTA được thực thi. Ông chủ Nhà Trắng kỳ vọng thỏa thuận sẽ thúc đẩy đầu tư, thương mại, xuất khẩu và việc làm cho cả hai nước, cũng như góp phần loại bỏ những hàng rào thương mại trên khắp thế giới. Theo đó sẽ bãi bỏ thuế của 80% sản phẩm giao dịch giữa 2 nước. Hãng Yonhap cho biết, FTA sẽ là hình mẫu tốt cho thương mại tự do toàn cầu, đồng thời thúc đẩy quan hệ liên minh Mỹ - Hàn. Trong một tuyên bố, đại diện Bộ Thương mại Mỹ Ron Kirk cũng khẳng định FTA là thỏa thuận đáng nhớ trong gần 20 năm của Washington với một đồng minh quan trọng kể từ FTA Bắc Mỹ vào năm 1994.

FTA được Mỹ và Hàn Quốc ký vào năm 2007, sau đó được Quốc hội cả hai nước phê chuẩn vào tháng 10 năm ngoái. Trước đó, hầu hết các nội dung của thỏa thuận đã được 2 Chính phủ của Tổng thống lúc đó là ông G.W.Bush và người đồng cấp Roh Moo-hyun thảo luận, hướng đến việc mở ra thị trường rộng lớn cho các công ty Mỹ, đồng thời bảo vệ những nhà xuất khẩu, nhà đầu tư cũng như quyền sở hữu trí tuệ. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ với kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 101 tỷ USD vào năm 2011, tăng từ con số 90,2 tỷ USD của năm trước đó. Với việc cắt giảm thuế quan, thỏa thuận mới được kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc tăng từ 10 tỷ USD sang 11 tỷ USD, tạo ra 70.000 việc làm mới. Đồng thời, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ cũng sẽ tăng hằng năm khoảng 6,4 - 6,9 tỷ USD.

Theo Reuters, đêm 14-3, tức chỉ trước vài giờ khi FTA có hiệu lực, ước tính khoảng 1.200 người biểu tình tập trung ở trung tâm Seoul. Riêng ngày 15-3 có khoảng 30 người, bao gồm các chính trị gia, đại diện nông dân và công nhân đã biểu tình chống FTA. Những người biểu tình cho rằng, thỏa thuận chỉ làm cho người giàu càng giàu hơn và người nghèo càng nghèo hơn, đồng thời không những làm suy yếu ngành nông nghiệp mà còn hủy hoại các ngành dịch vụ khác của Hàn Quốc. Tháng 2 vừa qua, gần 100 nghị sĩ Hàn Quốc, hầu hết thuộc đảng đối lập, viết thư cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, thúc giục ông không thực thi thỏa thuận nếu không điều chỉnh được các nội dung gây tranh cãi. Đảng đối lập chính của Hàn Quốc cho rằng sẽ tìm cách đàm phán lại nếu đảng này giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 tới và cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 12. Tuy nhiên, hàng trăm người đã tuần hành ở bên ngoài nhà ga Seoul để ủng hộ thỏa thuận.

Ông Obama nói rằng, sẽ gặp gỡ Tổng thống Lee Myung-bak khi đến Seoul tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân diễn ra vào ngày 26 và 27-3. Hàn Quốc đã có những thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Chile, Peru, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Singapore và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (bao gồm Liechtenstein, Iceland, Na Uy và Thụy Sĩ). Seoul cũng khởi động đàm phán chính thức với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.