Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Tel Aviv có quyền tự làm chủ vận mệnh của mình trước mối đe dọa hạt nhân từ Iran.
Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Benjamin Netanyahu cố gắng hàn gắn những bất đồng trong vấn đề Iran. Ảnh: AP |
Tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ngày 5-3 (sáng sớm 6-3, giờ Việt Nam), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cố gắng thể hiện sự hợp tác song phương trong vấn đề Iran nhưng những tuyên bố của họ minh chứng rằng, những bất đồng vẫn tồn tại xung quanh việc ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Obama kêu gọi cho Iran thêm thời gian khi cộng đồng quốc tế tiến hành các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh: “Israel phải tự làm chủ vận mệnh của mình” và có quyền tự bảo vệ chống lại mối đe dọa hạt nhân từ Tehran. Theo Reuters, tuyên bố của ông Netanyahu cảnh báo rằng, vị Thủ tướng cứng rắn sẽ không “đánh bạc với an ninh của Israel”. Các nguồn tin cho biết, đằng sau cánh cửa khép của cuộc hội đàm, Thủ tướng Netanyahu bảo đảm với ông Obama rằng, Israel vẫn chưa quyết định có tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran hay không nhưng không loại trừ việc sử dụng hành động quân sự.
Phát biểu với Ủy ban Công vụ Israel - Mỹ (AIPAC) sau đó, ông Netanyahu khẳng định không thể chờ đợi lâu hơn trong vấn đề Iran. “Là Thủ tướng Israel, tôi sẽ không bao giờ để người dân của mình sống trong bóng tối hủy diệt”, ông Netanyahu nói. Theo AFP, trước AIPAC, ông Netanyahu cũng nỗ lực giảm thiểu những khác biệt với Tổng thống Obama. Nhà lãnh đạo Israel nói rằng, Tel Aviv có cùng chính sách (với Mỹ), quyết tâm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Hãng AP cho biết, Tổng thống Barack Obama sẽ chủ trì cuộc họp báo đầu tiên trong năm nay giữa lúc ông đối mặt với các thách thức trong nước và quốc tế khi chuẩn bị tái tranh cử, bao gồm việc phục hồi nền kinh tế, tạo việc làm mới, căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân Iran thúc đẩy giá dầu tăng cao… Tỷ lệ ủng hộ ông Obama hiện là 50%, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 1 vẫn ở mức cao 8,3%. |
Đối mặt với áp lực của cuộc bầu cử vào cuối năm nay từ những người Mỹ ủng hộ Israel cùng các đối thủ của Đảng Cộng hòa, Tổng thống Obama khẳng định với Thủ tướng Netanyahu rằng, Washington xem giải pháp quân sự là kế sách cuối cùng và được sự ủng hộ của Tel Aviv. Song, ông thúc giục Israel bình tĩnh để các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Tehran đạt hiệu quả. Thực tế, Chính phủ của Tổng thống Obama không tin rằng, Iran sẽ phát triển vũ khí hạt nhân trong lúc này và đây cũng không phải là thời điểm thích hợp để hành động quân sự. Washington muốn chờ đợi những lệnh trừng phạt vào Iran phát huy tác dụng. Ông Obama muốn khẳng định với nhà lãnh đạo Israel rằng, Mỹ luôn ủng hộ Tel Aviv, bất chấp những căng thẳng thời gian gần đây trong vấn đề Iran, nhưng lại mong muốn mở ra một cánh cửa cho giải pháp ngoại giao với Tehran. Trong lúc đó, Israel khăng khăng Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân và đe dọa Nhà nước Do Thái.
Mới đây, Tổng thống Obama đã cảnh báo một cuộc tấn công quá sớm nhằm vào Iran sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, nhưng Thủ tướng Netanyahu vẫn cho rằng, nước ông có quyền tự vệ.
Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitch
McConnell cho biết, ông sẽ phản đối nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc dùng vũ lực chống Iran khi cơ quan tình báo tìm thấy chứng cứ chứng minh Tehran đang làm giàu uranium hoặc phát triển bom hạt nhân. Ngày 6-3, hãng ISNA dẫn tuyên bố của Iran cho biết, nước này sẽ cho phép các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đến cơ sở quân sự Parchin, nơi mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tin rằng, Tehran theo đuổi việc tạo ra các chất nổ liên quan đến vũ khí hạt nhân.
THIÊN BÌNH