(ĐNĐT) - Mãi cho tới ngày 11-3, đúng 1 năm sau ngày xảy ra đại nạn động đất và sóng thần ở vùng biển đông bắc nước Nhật Bản, nhiều cảnh sát vẫn còn cần mẫn đi tìm những người còn đang mất tích tại thành phố biển Rikuzentakata.
Wakan Kumagai, 6 tuổi, đến viếng mộ bố em bị thiệt mạng trong thảm họa động đất - sóng thần tại một nghĩa trang tập thể ở Higashi-Matsushima, tỉnh Miyagi. Ảnh: Reuters |
Tiếp tục tìm kiếm thi thể
Từng được mệnh danh là nơi có bờ biển đẹp và những rặng thông ven bờ chen chúc bên dưới những rặng núi, thị trấn Rikuzentakata giờ đây đồng nghĩa với sự tàn phá và chết chóc trên diện rộng bởi bộ ba thảm họa mà thành phố này phải hứng chịu.
Vào ngày 11-3-2011, một bức bức tường nước 16 mét đã nuốt chửng thành phố và cướp đi 1.555 sinh mạng của 24.240 người dân. Trong đó, 228 người vẫn đang mất tích tại thị trấn này.
Cảnh sát và lực lượng tuần duyên đã mất hàng tháng trời đưa thợ lặn xuống các vùng biển và tháo khô các cánh đồng với hy vọng tìm thấy các thi thể.
Vào ngày 9-3-2012, khoảng 20 nhân viên mặc đồng phục với giày ống cao và áo cứu sinh màu da cam, mang theo xẻng và hòm, đã cào xới những rãnh nước đầy bùn gần khu cảng, một trong số các khu vực còn đang tìm kiếm. Mặc dù cuộc tìm kiếm trong buổi sáng đã vô vọng, những nhân viên này được khuyến cáo hãy tìm cẩn thận hơn nữa.
Vào tháng 2, Masahiko Saito cho biết, các nỗ lực tìm kiếm đã phát hiện một thi thể trên sông Kesen, các bộ phân cơ thể ở cảng cá. Đa số những phát hiện đều chỉ là một vài phần của cơ thể hoặc những mẫu xương.
Một người tên là Endo cho biết: “Những thi thể có thể được đưa từ biển vào ở một chỗ nào đó mà đã tìm kiếm trước đó, vì thế chúng tôi cần phải tìm nhiều lần”
260.000 người đang sống tạm bợ
Một năm sau, vẫn còn 260.000 người tại vùng Tohoku vẫn còn sống trong nhà tạm và điều cấp thiết đang tăng lên là bảo đảm cho họ những nơi ở vĩnh cữu gọi là nhà.
Trong số 260.000 nạn nhân mất nhà cửa, có 110.000 người đang sống trong những căn nhà tiền chế và số còn lại sống trong nhà tạm, chẳn hạn như các khu nhà ở xã hội.
Ảnh trái: tiếng cười của các học sinh trải những tấm nhựa PE vang lên trong nhà thi đấu của trường trung học Utatsu, tỉnh Miyagi, ngày 28-2-2012. Ảnh phải: Nhà thi đấu, nơi từng làm khu trú ẩn hôm 14-3-2011. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Ảnh trái: những khu đất đã dọn dẹp gần con đê biển, các khu dân cư vẫn còn đó tại Hisanohama-machi, tỉnh Fukushima, ngày 22-2-2012. Ảnh phải: sóng thần tràn qua khu vực đó hôm 11-3-2011. Ảnh: Asahi Shimbun |
Ảnh trái: một đường phố sạch sẽ tại Kamaishi, tỉnh Iwate. Ảnh phải: Xe cứu hỏa bị phá hỏng chặn con đường đầy rác rưởi hôm 13-3-2011. Ảnh: Asahi Shimbun |
Ảnh trên: Một đống rác rưởi đã được tập trung tại một khu dân cư ở Otsuchi, tỉnh Iwate. Ảnh dưới: khu vực bị tàn phá và bị phủ tuyết trắng xóa hôm 16-3-2011. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Những người đi sơ tán này cần được tái định cư bởi nhà tạm của họ chỉ ở được hai năm. Tuy nhiên, trong khi nhiều gánh nặng khác vẫn còn chồng chất, lại nổi lên hai vấn đề chính là nhà của họ sẽ ở đâu, tiền đâu để xây dựng.
Tại những vùng như Sendai, nơi giá đất rất cao, thì việc sở hữu đất và một ngôi nhà mất khoảng 30 triệu yên (tương đương 368.400 USD). Một ngôi nhà xây trên đất thuê, chi phí ước tính khoảng 10 triệu yên (hơn 100.000 USD).
Việc có đất, làm nhà còn phù thuộc vào vị trí của người ở, là nông dân hoặc ngư dân, họ phải chọn chỗ ở thích hợp, bởi họ còn cả một cuộc sống ở phía trước.
20 triệu tấn rác rưởi chờ xử lý
3 tỉnh đông bắc nước Nhật, vùng Tohoku, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa, giờ đây còn đang đối mặt với những núi rác, cỡ 20 triệu tấn rác từ những đống đổ nát.
Việc di dời và chôn lấp những đống đổ nát vẫn là một quá trình chậm chạp, và chúng trở thành một trở ngại quá lớn đối với những nỗ lực tái thiết. Bởi quá ít chính quyền địa phương ở những vùng khác muốn tiếp nhận rác rưởi để san lấp trong địa phương của mình.
Hiện tỉnh Iwate đang còn tồn 4,75 triệu tấn rác rưởi, tương đương với lượng rác mà dân tỉnh này thải ra trong 11 năm. Một năm qua, họ mới chôn lấp được 8% số đó.
Tỉnh Miyagi có gần 16 triệu tấn rác, tương đương 19 năm mà người dân tỉnh này thải ra. Chỉ mới 5% số rác được chôn lấp.
Fukushima còn 2,08 triệu tấn. Trong đó, có khoảng 350.000 tấn từ vùng trắng, vùng Okuma, nơi có nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, và 4 thị trấn lân cận. Bởi do lo sợ phóng xạ, rác của Fukushima chắc chắn sẽ phải chôn lấp tại tỉnh này.
Theo số liệu khảo sát của tờ Asahi Shimbun vào tháng trước, chính quyền của 29 tỉnh, hoặc 65% số tỉnh được khảo sát, đã trả lời rằng sẽ không tiếp nhận bất cứ tí rác nào trong số đó về chôn lấp.
Đến nay, đã có các tỉnh Aomori, Yamagata và Shizuoka, cùng với chính quyền trung ương Tokyo đã tiếp nhận rác. 7 tỉnh khác đang xem xét việc chia sẻ gánh nặng này cho các vùng bị thiên tai.
Quang Hiển (theo Asahi Shimbun, Reuters)