.

Những hệ lụy từ biến đổi khí hậu

Liên Hợp Quốc đã tiến hành nhiều hội nghị cấp khu vực và toàn thể để tìm ra các giải pháp ứng phó tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với môi trường và cuộc sống của hàng tỷ người, nhất là các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Tiếp tục mục tiêu này, Diễn đàn châu Á lần thứ hai về thích nghi với BĐKH đã khai mạc tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào ngày 12-3, thu hút sự tham gia của hàng trăm lãnh đạo, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội và doanh nhân.

Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Phó Chủ tịch Bindu Lohani tuyên bố: Châu Á - Thái Bình Dương phải chuẩn bị cuộc “chuyển mình” để gia tăng khả năng “đề kháng” chống lại sự tàn phá của thiên tai. Phó Chủ tịch Bindu Lohani nhấn mạnh: Trong tương lai, những thảm họa thiên nhiên với quy mô tương tự sẽ xảy ra thường xuyên và gây khó khăn hơn cho nỗ lực phát triển kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương. Thêm vào đó, do kinh tế khu vực ngày càng phụ thuộc vào mạng lưới giao thông vận tải, nên khi thiên tai xảy ra thì hậu quả không chỉ giới hạn tại nơi bị ảnh hưởng. Cụ thể, khi Thái Lan tê liệt vì lũ lụt thì tập đoàn xe hơi Toyota của Nhật Bản thiếu linh kiện sản xuất, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Theo thẩm định của ADB, khu vực này từ nay đến năm 2050 phải cần đến 40 tỷ USD mỗi năm để khắc phục hậu quả do BĐKH.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Môi trường Thái Lan Pithaya Pookaman cho rằng, lũ lụt vừa qua tại đất nước này báo động mạnh mẽ về việc cần phải phản ứng khẩn cấp, bởi nếu chậm trễ, mọi cố gắng phát triển kinh tế sẽ vô hiệu và đời sống con người sẽ bị đe dọa. Ông Pookaman nêu lên hiện trạng đồng bằng bị xói mòn, cây rừng bị tàn phá thưa dần, hệ sinh thái bị khai thác triệt để, đô thị lớn quá tải… và hiện tượng BĐKH đang là mối hiểm nguy cho đời sống cũng như sự tồn tại của con người.

Trong khi đó, đối với Việt Nam, ông Matthew McKinnon, Giám đốc Chương trình Sáng kiến về tính dễ tổn thương do khí hậu (DARA), cho rằng đây là quốc gia bị tổn thương nhiều hơn các quốc gia khác. Ông McKinnon nhấn mạnh các tác động lớn nhất đối với Việt Nam là nước biển dâng, nhiệt độ giảm, ngư nghiệp, nông nghiệp, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng, rồi lũ lụt, lở đất. DARA cảnh báo nếu không có những biện pháp giải quyết hiệu quả, những tác động của BĐKH sẽ khiến Việt Nam tổn thất lên tới 1% GDP, tương đương 5 tỷ USD/năm. Cụ thể, nước biển dâng có thể gây tổn thất 2 tỷ USD; ngư nghiệp thiệt hại 0,7 tỷ USD; nông nghiệp: 0,5 tỷ USD, đa dạng sinh học: 0,5 tỷ USD; lũ lụt và lở đất: 0,3 tỷ USD. Còn theo TS Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Điều phối chương trình hỗ trợ ứng phó BĐKH, cố vấn chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH cho biết: Nếu mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 10-12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Mối quan tâm và cảnh báo đó giúp cho các nhà quản lý và người dân nước ta nhận thức rõ hơn mối nguy hiểm BĐKH để tham gia vào quá trình tạo dựng môi trường xanh, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với những tác động xấu của thiên tai.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.