Thế giới hiện có hơn 7 tỷ người. Trong khi đó, 2 điều tối thiểu mà “một tỷ người” cần đến hằng ngày là lương thực và nước sinh hoạt luôn bị đe dọa bởi cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO - LHQ) mới đây cho hay, số người đang chống chọi với nạn đói đã đạt tới “một tỷ người” và “một tỷ người” bị mù chữ khiến cơ hội kiếm kế sinh nhai hoặc thoát nghèo càng trở nên mong manh. Theo thống kê của FAO, phần lớn số người đói sống ở các nước đang phát triển, trong đó khoảng 642 triệu người sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực phụ cận sa mạc Sahara ở châu Phi có 265 triệu người và chỉ có khoảng 15 triệu người thiếu lương thực ở các nước giàu. Số người đói tăng lên trong vài năm trở lại đây do thu nhập thấp và tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Hai yếu tố này khiến khả năng tiếp cận với lương thực của người nghèo giảm dần. Một khía cạnh khác cho thấy, số người đói đang tăng không phải là hậu quả của tình trạng suy giảm sản lượng lương thực, mà cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là tác nhân chủ yếu, bởi nó làm tỷ lệ người thất nghiệp tăng, còn thu nhập của người nghèo lại giảm đi nhanh chóng.
Song, một nghịch lý thật khó tưởng tượng là hơn 1,3 tỷ tấn thức ăn, tương đương 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất cho con người, bị lãng phí mỗi năm. Riêng tại Mỹ, mỗi năm các nhà hàng, quán ăn, người dân đổ bỏ 40 triệu tấn đồ ăn thừa, lượng thực phẩm ước tính có thể nuôi sống “một tỷ người” đang đói. Trong khi đó, một nghịch lý khác là có “một tỷ người” thừa cân và cũng có “một tỷ người” trên thế giới thiếu các chất vi lượng, mà hầu hết là trẻ em, hậu quả của việc không thể tiếp cận được nguồn thực phẩm dinh dưỡng. Hay nói cách khác, đó là “căn bệnh” nan y đang đe dọa sinh mạng của “một tỷ người” giàu và “một tỷ người” nghèo.
Chuyện thường ngày của “một tỷ người” không dừng lại ở đó mà mới đây tại thành phố Marseille của Pháp, LHQ đã khai mạc diễn đàn thế giới về nước kéo dài từ ngày 13 đến 17-3 nhằm thảo luận, trao đổi để tìm ra các giải pháp tốt nhất bảo đảm cho toàn nhân loại được tiếp cận, sử dụng nước sạch và sống trong các điều kiện vệ sinh tiêu chuẩn. Theo đánh giá của Hiệp hội Các nhà khai thác dịch vụ nước (AquaFed), thực tế vẫn đáng báo động.
Vẫn còn từ 3-4 tỷ người không được tiếp cận nguồn nước sạch ổn định và họ là những người hằng ngày phải sử dụng nguồn nước có chất lượng không bảo đảm. Theo ông Gérard Payen, Chủ tịch AquaFed kiêm cố vấn về vấn đề nước cho Tổng Thư ký LHQ, 3,8 tỷ người được sử dụng nước sạch nhưng thực tế có tới “một tỷ người” mỗi ngày chỉ được vài giờ dùng nước sạch; thêm vào đó, mạng lưới ống dẫn cấp nước xuống cấp khiến nước bị ô nhiễm. Tính trên quy mô khu vực, sự bất bình đẳng thể hiện rõ nét tại vùng nam sa mạc Sahara của châu Phi, khu vực các nước mới trỗi dậy ở Mỹ Latinh và châu Á. 97% người dân nghèo nông thôn ở các vùng này vẫn không được sử dụng nước sạch. Thậm chí, có tới 14% dân số vẫn phải uống nước sông ngòi, ao hồ.
Với dân số thế giới vượt 7 tỷ người, nhu cầu về cái ăn theo đánh giá của FAO sẽ tăng từ nay đến năm 2050 khoảng 70%. Theo đó, nhu cầu về các sản phẩm từ động vật cũng tăng lên nhanh chóng. Mặt khác, quá trình sản suất lương thực này đòi hỏi lượng nước khổng lồ mới đáp ứng được. Do vậy, mức tăng nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ kéo theo mức tăng 19% lượng nước sử dụng trong khu vực nông nghiệp. Còn trên thực tế, khu vực này hiện sử dụng tới 70% lượng nước tiêu thụ trên thế giới. Hai mối quan hệ này càng làm câu chuyện “một tỷ người” thiếu ăn, thiếu nước, thiếu dinh dưỡng... sẽ khó có lối thoát hữu hiệu nếu không có các giải pháp căn bản của từng quốc gia và cả cộng đồng quốc tế.
Hội nghị lần thứ 31 khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FAO tại Hà Nội từ ngày 15-3, trọng tâm là tình trạng thiếu lương thực, cũng nhằm tìm ra các biện pháp để hóa giải 2 vấn đề lớn nói trên, góp phần giảm nỗi đau trong câu chuyện “một tỷ người”!
TUYẾT MINH