Quan hệ Trung - Mỹ thời gian gần đây tuy êm dịu hơn nhưng vẫn đứng trước những thử thách phức tạp do sự nghi ngờ từ cả hai phía. Chuyến thăm Mỹ hồi tháng 2 vừa qua của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người dự kiến sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo của Bắc Kinh, nhằm cài đặt lại quan hệ trước mắt, đồng thời chuẩn bị cho mối quan hệ lâu dài giữa 2 nước, vẫn không xóa được những câu hỏi lớn mà Washington đã và đang đặt ra đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cả về vấn đề chính trị, kinh tế, quân sự lẫn xã hội.
Tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội tại thủ đô Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết, nước này cam kết tuân thủ 5 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình và những quy định chi phối các mối quan hệ quốc tế, trong đó có hợp tác và cạnh tranh. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời đề nghị Washington thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc và tinh thần của 3 thông cáo chung Trung - Mỹ cùng Tuyên bố chung Trung - Mỹ. Theo ông, Mỹ cần có những hành động cụ thể nhằm ủng hộ sự phát triển hòa bình qua eo biển Đài Loan. Ông Dương Khiết Trì cũng thừa nhận thực tế rằng, giữa Trung Quốc và Mỹ có những bất đồng, thậm chí xung đột về một số vấn đề. Tuy nhiên, điều quan trọng là lãnh đạo 2 nước phải giải quyết thỏa đáng những khác biệt đó trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền lẫn nhau.
Trong bài diễn thuyết về quan hệ giữa các cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hòa bình Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton kêu gọi Trung Quốc phải thể hiện “các đường lối cụ thể” rằng, sự trỗi dậy của nước này phục vụ cho các lợi ích của quốc tế và vì thế, Bắc Kinh cần có trách nhiệm lớn hơn. Nhất là việc Trung Quốc thời gian gần đây có những động thái gây bất ổn ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, tăng ngân sách quân sự lên 2 con số, đồng thời đề cập đến việc xây dựng quân đội hùng mạnh đủ khả năng “giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh cục bộ” đã làm cho Mỹ và các nước liên quan hết sức lo ngại… Bà Clinton cũng nhắc lại yêu cầu muốn Trung Quốc bảo vệ quyền lợi của các công ty nước ngoài, điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ và cải thiện vấn đề nhân quyền. Bà Clinton còn thẳng thừng phủ nhận các quan điểm của Bắc Kinh rằng, Mỹ đang tìm cách bao vây Trung Quốc và nhấn mạnh một nước Trung Quốc hùng mạnh, thịnh vượng hơn rốt cuộc sẽ có lợi không chỉ cho cả hai quốc gia mà còn cho cộng đồng quốc tế. Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ khẳng định sự lớn mạnh của Trung Quốc đồng nghĩa với việc không thể vừa đòi hỏi được đối xử như một cường quốc đang lên tại một số khu vực mà lại đóng vai một nước đang phát triển với trách nhiệm ít hơn tại các khu vực khác. Ngoại trưởng Clinton nêu rõ: “Thật dễ hiểu khi cộng đồng quốc tế muốn an tâm rằng, sức mạnh đang lên của một nước sẽ được sử dụng cho lợi ích toàn cầu. Với các thách thức lịch sử về an ninh và ổn định mà các cường quốc mới nổi đã đặt ra, họ có bổn phận phải chứng tỏ theo các cách cụ thể rằng, họ sẽ đi theo con đường mang tính xây dựng. Điều này đặc biệt đúng với một nước phát triển nhanh chóng và ấn tượng như Trung Quốc”.
Những phản ứng của Washington càng cho thấy hố ngăn cách giữa 2 siêu cường vẫn rất lớn. Mặt khác, việc Mỹ bắt đầu chuyển hướng chiến lược, coi khu vực châu Á - Thái Bình Dương là lợi ích cốt lõi trong chính sách đối ngoại, càng làm mối quan hệ Bắc Kinh - Washington trở nên rối rắm và phức tạp hơn, khó đoán định về tương lai tốt đẹp.
TUYẾT MINH