Tình hình Biển Đông tiếp tục là đề tài quan tâm không chỉ trên các phương tiện truyền thông mà cả quan điểm và hành động của chính phủ các nước liên quan. Ngày 27-2, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, trong cuộc họp với 2 cựu đại sứ Trung Quốc, ông đã lặp lại quan điểm của Manila rằng, Philippines sẵn sàng mời Bắc Kinh tham gia với tư cách nhà đầu tư tại bãi đá ngầm Reed Bank (khu vực Biển Đông) dưới sự quản lý của luật pháp Philippines và vì thế, không thể có chuyện cùng hợp tác phát triển với Trung Quốc. Cũng tại buổi gặp này, cựu đại sứ Trung Quốc cảnh báo hành động lôi kéo Mỹ vào tranh chấp ở Biển Đông là điều không thể chấp nhận và Bắc Kinh chắc chắn sẽ phản ứng nếu điều đó xảy ra.
Không những vậy, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhìn nhận “căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng”, trong đó có Nhật Bản, qua hàng loạt vụ tranh chấp lãnh thổ. Khẳng định của ông Ôn Gia Bảo đối với mục tiêu xây dựng lực lượng quân sự của Trung Quốc đủ khả năng giành chiến thắng trong các cuộc “chiến tranh cục bộ” càng củng cố thêm những nghi ngại của các nước liên quan trong khu vực về tham vọng lãnh thổ và biển đảo của Bắc Kinh. Ngoài ra, ngân sách quốc phòng trong năm nay của Trung Quốc tăng 11,2%, khoảng 110 tỷ USD cũng tạo ra những lo lắng. Đó là chưa kể đến thực tế, con số này có thể cao hơn gấp 1,7 lần.
Phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Osamu Fujimura cũng bày tỏ quan ngại với việc ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng thêm 11,2%. Nhưng một động thái được giới quan sát cho là bắc cầu mà Tokyo muốn chuyển tới Bắc Kinh là lần đầu tiên lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tham gia tập trận chung Mỹ - Philippines mang tên Balikatan (kề vai sát cánh), dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 4 tới và kéo dài khoảng một tuần. Theo đó, lực lượng Mỹ và Philippines sẽ phối hợp với quân đội các nước tham gia thu thập thông tin, chỉ huy cứu hộ, cứu nạn. Địa điểm thao diễn chính sẽ là khu vực đảo Palawan của Philippines và các vùng lân cận trong Biển Đông. Ngoài ra, Úc và Hàn Quốc cũng lần đầu tiên hiện diện trong cuộc tập trận này. Lực lượng phòng vệ của Nhật Bản sẽ tham gia diễn tập các tình huống cứu hộ động đất.
Đến nay, quân đội Nhật Bản vẫn tiến hành các cuộc thao diễn chống khủng bố là chính. Song, sự tham dự của Nhật Bản lần này nhấn mạnh đến khía cạnh hợp tác đa phương là nhằm đối phó với những tham vọng của Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Theo hãng Kyoto, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ cử 2 sĩ quan cao cấp của lực lượng phòng vệ tham dự tập trận với tư cách quan sát viên. Một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói với báo chí rằng, sự hiện diện của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á cùng với đồng minh Mỹ “là điều rất có ý nghĩa”.
Các nhà quan sát nhận định: Cuộc tập trận chung lần đầu tiên có sự hiện diện lực lượng phòng vệ Nhật Bản được coi là động thái đáp lại các hoạt động phô trương sức mạnh quân sự lẫn tăng ngân sách quốc phòng và gây hấn với các nước láng giềng gần đây của Trung Quốc.
TUYẾT MINH