.

Rào cản thương mại

Thách thức về sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường nội địa, các nước đã tăng cường sử dụng các công cụ bảo hộ ngày càng tinh vi thông qua những biện pháp bảo đảm thương mại công bằng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong đó có thuế chống bán phá giá. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Giai đoạn 1994-2001, Việt Nam chỉ chịu từ 1-2 vụ kiện/năm nhưng đến năm 2004 phải đối phó với 7 vụ kiện liên tiếp liên quan đến nhiều mặt hàng công nghiệp xuất khẩu.

Những năm tiếp theo đến nay, nước ta vẫn đối diện với nhiều vụ kiện khác nhau ở khắp các châu lục. Thời kỳ trước, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng thuế chống bán phá giá chưa phải là mặt hàng chiến lược nên ảnh hưởng không lớn đến kim ngạch xuất khẩu. Nhưng từ vụ kiện cá tra, cá ba sa năm 2002 đến nay có thể thấy không chỉ một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam: thủy sản, giày dép..., mà cả những mặt hàng xuất khẩu có số lượng chưa lớn nhưng mới thâm nhập thị trường đều có thể trở thành đối tượng của kiện bán phá giá.

Riêng tại thị trường Mỹ, một số mặt hàng của Việt Nam đã và đang phải bị kiện hoặc bị áp dụng mức thuế cao như: hàng dệt may, cá tra, cá basa, tôm nước ấm đông lạnh, túi nhựa PE… Ngày 15-11-2011, Bộ Thương mại Mỹ đã ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép carbon tiêu chuẩn nhập khẩu từ Việt Nam.

Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ mới đây ra phán quyết rằng, Bộ Thương mại không có quyền hợp pháp để áp đặt các loại thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ “các nền kinh tế phi thị trường”. Phán quyết này của tòa án liên bang Mỹ buộc Bộ Thương mại Mỹ phải bãi bỏ các loại thuế áp đặt lên hàng chục mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam trị giá hàng tỷ USD. Đồng thời, nó cũng có thể cản trở việc áp thuế chống bán phá giá trong các vụ kiện mà Bộ Thương mại Mỹ chưa xử lý. Hiện thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với mặt hàng thép, nhôm, giấy, hóa chất và các sản phẩm khác nhập từ Trung Quốc cũng như mặt hàng túi nhựa nhập từ Việt Nam.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực chuyển hướng sản xuất từ nước ngoài vào Mỹ nhằm kích thích tăng trưởng nội địa, nên càng tập trung vào mục tiêu áp dụng chống bán phá giá nhiều mặt hàng từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Các nghị sĩ cấp cao Mỹ dự kiến thúc đẩy nhanh một dự luật lưỡng đảng để bảo đảm Bộ Thương mại có thể áp thuế đối với hàng hóa được trợ giá nhập từ Trung Quốc và Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Dave Camp lạc quan rằng, dự luật trên sẽ được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua vào trung tuần tháng 3-2012 trước khi phán quyết của tòa án liên bang có hiệu lực.

Chính phủ và một số nghị sĩ Mỹ đang tạo ra rào cản thương mại bất bình đẳng, không phù hợp với quy định của WTO, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất và kinh doanh của các nước, đi ngược lại những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Washington là tự do hóa nền thương mại toàn cầu. Đây cũng là những thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam cần có các biện pháp không chỉ ứng phó hiệu quả mà còn phải chủ động ngăn ngừa những nguy cơ xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá; nghĩa là phải thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu, tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành hàng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về thông tin, tiến hành cam kết giá khi cần thiết... ở Mỹ nói riêng, các nước khác nói chung.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.