.

Thế giới không vũ khí hạt nhân

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết theo đuổi việc cắt giảm vũ khí chiến lược với Nga, hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) gặp gỡ người đồng cấp Dmitry Medvedev bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân.                                                                                    Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) gặp gỡ người đồng cấp Dmitry Medvedev bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân. Ảnh: Reuters

Tuyên bố của Tổng thống Obama được đưa ra ngay trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 26-3.

Khủng bố vẫn là mối đe dọa

Hãng AFP cho biết, năm 2009, trong một bài phát biểu tại Prague (CH Czech), Tổng thống Obama kêu gọi một thế giới không vũ khí hạt nhân và xác định đây là mục tiêu dài hạn. Còn tại Đại học Hankuk (Seoul) ngày 26-3, ông Obama vẫn bảo vệ quan điểm của mình, đồng thời cam kết đề cập vấn đề kiểm soát vũ khí mới trong cuộc gặp gỡ Tổng thống mới đắc cử của Nga Vladimir Putin vào tháng 5 tới. Ông chủ Nhà Trắng bày tỏ tin tưởng rằng, Mỹ và Nga - với hiệp ước START kiểm soát vũ khí được ký vào năm 2010 - có thể tiếp tục đạt được những tiến triển, làm giảm kho dự trữ hạt nhân. Song, việc thực hiện cắt giảm vẫn còn phải đối mặt với phản ứng của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, những người vốn cáo buộc ông Obama làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc ngăn chặn hạt nhân.

Mỹ và Nga là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới với việc sở hữu hàng ngàn đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, trong lúc các quan chức Mỹ quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Obama thúc giục cường quốc châu Á này tham gia đối thoại cùng Washington và Mátxcơva về vấn đề hạt nhân.

Hãng AP dẫn lời Tổng thống Obama rằng, với hơn 1.500 vũ khí hạt nhân được triển khai và 5.000 đầu đạn, Mỹ có nhiều vũ khí hạt nhân hơn mức cần thiết. Ông cảnh báo chủ nghĩa khủng bố hạt nhân vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất và kêu gọi khẩn cấp phải bảo vệ kho dự trữ nguyên tử của thế giới. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, tiến triển trong 2 năm qua đã làm những kẻ khủng bố gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguyên liệu phục vụ cho vũ khí nguyên tử. Khẳng định quan điểm này không phải là sự ảo tưởng, ông Obama nhấn mạnh: “Chúng tôi biết rằng, nguyên liệu hạt nhân, đủ cho nhiều vũ khí, vẫn được lưu trữ và bảo vệ chưa phù hợp”. Ông thúc giục các nhà lãnh đạo và những quan chức hàng đầu của 53 quốc gia có mặt tại Seoul hành động cụ thể để bảo vệ nguyên liệu hạt nhân.

Cảnh báo CHDCNDTriều Tiên, Iran

Đề cập trực tiếp đến tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ “không có ý định thù địch” đối với quốc gia vùng Đông Bắc Á này, nhưng “sẽ không có phần thưởng nào cho hành động khiêu khích”. Ông cảnh báo rằng, kế hoạch phóng tên lửa mang theo vệ tinh vào tháng tới sẽ chỉ làm Bình Nhưỡng bị cô lập hơn, đồng thời kêu gọi nước này theo đuổi hòa bình. Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Tổng thống Nga sắp mãn nhiệm Dmitry Medvedev cũng chỉ trích kế hoạch phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Thực tế, CHDCND Triều Tiên đã đồng ý để các thanh sát viên LHQ tiến hành việc thanh sát. Nhưng kế hoạch phóng tên lửa mang theo vệ tinh, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 16-4 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, làm “nóng” khu vực Đông Bắc Á và làm thế giới lo ngại.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho biết, ông không hy vọng thấy sự “đảo chiều” nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong lúc tình hình “rất phức tạp và nhạy cảm”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh, kiềm chế để tránh căng thẳng gia tăng. Trung Quốc vốn là đồng minh lớn của CHDCND Triều Tiên. Vì vậy, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều mong muốn Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình để tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng ngừng kế hoạch phóng tên lửa cũng như các chương trình hạt nhân khác. Trao đổi với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông Obama khẳng định Washington sẵn sàng đối thoại nếu Bình Nhưỡng đáp ứng các điều kiện của quốc tế.

Trong lúc đó, Hàn Quốc tuyên bố sẽ bắn hạ tên lửa của CHDCND Triều Tiên nếu lạc vào lãnh thổ của Seoul. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Yon Won-shik được đưa ra ngay trước lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân. Hàn Quốc là quốc gia thứ hai cam kết bắn hạ tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Trước đó, Nhật Bản cũng cảnh báo tương tự nếu sự an toàn của quốc gia này bị đe dọa. Theo Hãng Yonhap, cũng trong ngày 26-3, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik kêu gọi CHDCND Triều Tiên hoãn kế hoạch phóng tên lửa và tuân thủ các quy định của quốc tế.

Đối với Iran, Tổng thống Obama nói rằng, vẫn còn thời gian để giải quyết bế tắc về chương trình hạt nhân của Tehran bằng cách thức ngoại giao nhưng chỉ có thời gian ngắn. Ông cho rằng, Iran phải hành động cấp bách để đáp ứng các yêu cầu vào lúc này. Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Tehran, ông Sadeq Zibakalam cho rằng, trong khi chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây, quốc gia Hồi giáo này có thể có một số nhượng bộ trong những cuộc đàm phán sắp tới. Song, theo ông Zibakalam, nhượng bộ không có nghĩa là “Iran sẽ đưa tay và đầu hàng Mỹ” mà Tehran sẽ nhượng bộ để tạo cơ hội cho các nước trở lại đàm phán.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.