.

Thế giới với an ninh năng lượng và hạt nhân

.

Trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc đã cam kết xây dựng một thế giới an toàn hơn, không có khủng bố hạt nhân.

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị.						               Ảnh: THX
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị.                                                                                                          Ảnh: THX

Gần 60 lãnh đạo đến từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế trải qua 2 ngày (ngày 26 và 27-3) nhóm họp ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc để tìm giải pháp giảm thiểu uranium được làm giàu ở cấp độ cao và  bảo đảm an toàn hạt nhân. Hãng Yonhap dẫn Tuyên bố chung được đưa ra vào ngày 27-3 cho biết, các lãnh đạo đã cam kết hướng đến xây dựng một thế giới an toàn hơn, không có khủng bố hạt nhân, trao cho Mỹ vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy an ninh nguyên tử.

Tuyên bố chung nêu rõ: “Khủng bố hạt nhân tiếp tục là một trong những đe dọa thách thức nhất đối với an ninh quốc tế. Việc đánh bại mối đe dọa này đòi hỏi các giải pháp mạnh của mỗi quốc gia và sự hợp tác quốc tế”. Tuyên bố kêu gọi giảm thiểu việc sử dụng uranium được làm giàu ở cấp độ cao nhằm tạo vũ khí vào cuối năm 2013. Theo đó, năm 2014 được xác định là năm sửa chữa hiệu quả Công ước về bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM).

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thúc giục những bước đi đối với an ninh năng lượng và an toàn hạt nhân. Ông nói rằng, LHQ có thể đóng vai trò lớn trong việc đối phó với những đe dọa tiềm ẩn ở các khu vực. “Năm ngoái, tôi đã đến Fukushima (Nhật Bản), Chernobyl (Ukraine). Những thảm kịch này đã gửi một thông điệp khẩn cấp và rõ ràng: Sự cố về hạt nhân có thể tạo ra những hậu quả tương tự một cuộc tấn công hạt nhân”, ông Ban Ki-moon nói. Người đứng đầu LHQ đề xuất 5 bước để nguyên liệu hạt nhân và các cơ sở được bảo vệ tốt hơn, tránh cả tác động của thiên tai lẫn sự thâm nhập của khủng bố. Trong đó, các Chính phủ và ngành công nghiệp hạt nhân cần xây dựng lại niềm tin vào năng lượng hạt nhân bằng cách cung cấp cho cộng đồng thêm thông tin về việc sử dụng năng lượng hạt nhân.  

Theo các hãng thông tấn quốc tế, tuy CHDCND Triều Tiên và Iran không được mời tham dự hội nghị nhưng vấn đề hạt nhân liên quan đến 2 quốc gia này đã phủ bóng trong các cuộc gặp riêng rẽ bên lề, nhất là với kế hoạch phóng tên lửa mang theo vệ tinh của Bình Nhưỡng vào tháng 4 tới.

Ngoài Mỹ, còn có Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Nga, Úc... đều kêu gọi CHDCND Triều Tiên dừng kế hoạch phóng tên lửa. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda mong muốn cộng đồng quốc tế kiên quyết yêu cầu CHDCND Triều Tiên ngừng động thái khiêu khích. Ông Noda cho rằng, việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa sẽ đi ngược lại những nỗ lực của quốc tế trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Phát biểu ngày 27-3, Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh: Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân sẽ làm cho CHDCND Triều Tiên gặp khó khăn trong việc vận chuyển nguyên liệu hạt nhân ra khỏi biên giới nếu các quốc gia khác trên thế giới đều thống nhất thực hiện những giải pháp tại Seoul lần này và có một hệ thống giám sát các hoạt động của Bình Nhưỡng.

Trong lúc đó, bất chấp sức ép của cộng đồng quốc tế, CHDCND Triều Tiên vẫn khẳng định tiếp tục kế hoạch phóng tên lửa mang theo vệ tinh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ việc phóng vệ tinh nhằm mục đích hòa bình, đồng thời hành động này là hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền và yêu cầu thiết yếu phát triển kinh tế. Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều lần nhấn mạnh rằng, nếu Bình Nhưỡng vẫn thúc đẩy việc phóng tên lửa thì sẽ bị cô lập hơn, thiệt hại nặng nề hơn trong quan hệ với các nước láng giềng. Song, trong tuyên bố ngày 27-3, CHDCND Triều Tiên cho rằng, phát biểu của Tổng thống Obama thể hiện quan điểm sai lầm của ông đối với vụ việc.
Còn Iran và 6 cường quốc (bao gồm Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Anh và Trung Quốc) sẽ có thể nối lại đối thoại trong những tuần tới. Hãng Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho hay, đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 13 và 14-4. Song, một đặc sứ của phương Tây nói rằng, thời gian cụ thể vẫn chưa được xác định.  

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.