.

Trung Quốc nới lỏng đồng Nhân dân tệ

.

Quyết định nới lỏng đồng Nhân dân tệ (NDT) được công bố trong lúc Trung Quốc đối mặt với áp lực của các đối tác thương mại về việc định giá lại loại tiền tệ này.

Đồng Nhân dân tệ bị cáo buộc được định giá thấp hơn so với USD.                          Ảnh: AFP
Đồng Nhân dân tệ bị cáo buộc được định giá thấp hơn so với USD. Ảnh: AFP

Ngày 14-3, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc cải cách kinh tế, cho phép nới lỏng đồng NDT nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững và tạo cơ sở để nước này chống lại các áp lực bên ngoài cũng như những rủi ro của thị trường bất động sản. Phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo được đưa ra trong ngày cuối cùng kỳ họp Quốc hội khóa XI của Trung Quốc tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Theo ông, đồng NDT có thể đạt mức cân bằng và Trung Quốc sẽ thúc đẩy cải cách tỷ giá hối đoái.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Chu Tiểu Xuyên, cũng cho biết Bắc Kinh có thể hạ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, đồng thời bất kỳ quyết định nào cũng sẽ dựa vào tình hình thanh khoản trên thị trường và dòng tiền ngoại hối. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng Bắc Kinh sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 150 điểm cơ bản từ mức 20,5% hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là khi áp lực lạm phát đã giảm. Đối với 3.200 tỷ USD dự trữ ngoại hối - mức dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, ông Chu Tiểu Xuyên nhấn mạnh: Trung Quốc sẽ thực thi chính sách bảo đảm  hiệu quả. Đến năm 2015, đồng NDT sẽ được giao dịch tự do hơn, giảm sự kiểm soát của Nhà nước với kỳ vọng Trung Quốc trở thành trung tâm tài chính toàn cầu vào năm 2020. Song, giới quan sát nhận định: Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải thả nổi thị trường lãi suất trước khi tháo gỡ các kiểm soát đối với tiền tệ.

Kể từ năm 2005 đến nay, việc đồng NDT tăng giá khoảng 30% so với đồng USD là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng, thậm chí làm bùng phát cuộc “khẩu chiến” tiền tệ. Washington cáo buộc Bắc Kinh kìm tỷ giá đồng NDT bằng cách định giá thấp loại tiền tệ này so với đồng USD, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, để hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn so với hàng hóa của các nước khác.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng, quyết định của Trung Quốc giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế từ 8% còn 7,5% trong năm 2012 là điều cần thiết để giúp hướng đến bền vững, tạo ra của cải nhiều hơn, đồng thời kiềm chế lạm phát. Theo nhà lãnh đạo này, không thể xem mục tiêu 7,5% là mức thấp. Tăng trưởng thấp hơn sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát giá cả mà không có gây ra lạm phát đột biến. Vì vậy, chính sách tiền tệ có thể được nới rộng để bảo đảm dòng chảy ổn định của tín dụng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Chính phủ muốn khuyến khích phát triển.

Lạm phát là mối quan ngại đối với người dân nghèo ở Trung Quốc bởi 800 triệu công nhân hiện vẫn được trả lương thấp và ước tính 10% dân số ở đất nước có 1,3 tỷ dân này sống dưới mức 1 USD/ngày. Theo thống kê, lạm phát vào tháng 7 năm ngoái ở mức cao nhất trong 3 năm (6,5%) và trên cả mục tiêu mỗi tháng 4% mà Chính phủ đặt ra trong năm 2011. Năm nay, ông Ôn Gia Bảo duy trì mục tiêu giá tiêu dùng tăng ở mức trung bình 3,9% như 2 tháng đầu năm. Người đứng đầu Chính phủ Bắc Kinh còn cho rằng, khi kinh tế tiếp tục phát triển, các vấn đề như chênh lệch thu nhập, sự bất tín nhiệm và tham nhũng sẽ xảy ra.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh: Trung Quốc cần cải cách cả kinh tế lẫn chính trị, nhất là cải cách hệ thống lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Song, việc cải cách phải diễn ra “dần dần và có trật tự”. Theo nhà lãnh đạo này, việc cải cách mang tính cấp bách với Trung Quốc để tránh những bi kịch như Cách mạng Văn hóa có thể lặp lại. “Cải cách ở Trung Quốc bước vào giai đoạn quan trọng. Nếu không cải cách chính trị thành công, Trung Quốc không thể thực hiện cải cách kinh tế toàn diện và không thể đạt được thành quả trên những lĩnh vực này”, ông Ôn Gia Bảo nói.  

THIÊN BÌNH
 

;
.
.
.
.
.