.

Vì sao Bí thư Trùng Khánh mất chức?

.

Bản tin nhanh Tân Hoa xã ngày 15-3 chạy dòng tin "Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai bị miễn chức". Tin này lập tức được báo chí trong và ngoài Trung Quốc dẫn lại như một sự kiện gây chấn động chính trường Trung Quốc.

Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Đức Giang (trái) và Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai tại phiên bế mạc kỳ họp quốc hội lần 5 của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Đức Giang (trái) và Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai tại phiên bế mạc kỳ họp quốc hội lần 5 của Trung Quốc ( Ảnh: AFP)

Thông tin này không mấy gây bất ngờ. Trước đó, như Tân Hoa xã cho biết trong phiên bế mạc kỳ họp quốc hội lần 5 khóa XI của Trung Quốc ngày 14-3, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã "nghiêm khắc" nhắc nhở chính quyền và cấp ủy Ðảng Trùng Khánh phải "suy nghĩ nghiêm túc và rút ra những bài học từ sự kiện Vương Lập Quân". Ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh Bắc Kinh xem sự việc này là "rất nghiêm trọng" và "cần có câu trả lời công khai".

Với tuyên bố này, số phận của bí thư Trùng Khánh Bạc Hi Lai xem như đã được báo trước. Ðúng là không đầy 24 giờ sau, ông Bạc Hi Lai đã bị cách chức và được thay thế bởi ông Trương Ðức Giang, một trong số các phó thủ tướng. Tân Hoa xã khi đưa tin này không cho biết liệu ông Bạc Hi Lai có bị mất tư cách ủy viên Bộ Chính trị hay không.

Giới chuyên gia trong và ngoài Trung Quốc đều nhận định việc ông Bạc Hi Lai mất chức có liên quan đến phó chủ tịch Trùng Khánh Vương Lập Quân, người đã "tá túc" một ngày trong lãnh sự quán Mỹ ở Thành Ðô hồi tháng 2-2012 mà theo các nguồn tin nước ngoài là để tìm cách xin tị nạn chính trị. Tân Hoa xã ngày 9-2 chỉ tường thuật: ông Vương Lập Quân đột nhiên lái xe hơi vượt 200km từ Trùng Khánh đến Thành Ðô và đi thẳng vào Lãnh sự quán Mỹ, rồi "tá túc" suốt đêm trong đó. Sau đó ông trở ra để lực lượng an ninh Trung Quốc áp giải về Bắc Kinh điều tra. Cho đến nay, lý do tại sao ông Vương đến "tá túc" ở Lãnh sự quán Mỹ vẫn còn là một bí ẩn.

"Ðó là một đòn quyết định cho sự nghiệp của Bạc Hi Lai" - báo Bưu Ðiện Buổi Sáng Hoa Nam dẫn lời giáo sư Viên Vĩ Thời, Ðại học Trung Sơn, Quảng Châu, nhận định.

Theo giáo sư Viên, sự kiện Vương Lập Quân xem chừng đã xóa sạch mọi nỗ lực chính trị của bí thư Bạc và khiến con đường chính trị của ông trở nên gập ghềnh. Bởi ông Vương Lập Quân được xem là cánh tay phải của ông Bạc Hi Lai ở Liêu Ninh và Trùng Khánh.

Cặp đôi Bạc - Vương

Ông Bạc Hi Lai sinh năm 1949, là con trai của Bạc Nhất Ba, bộ trưởng tài chính đầu tiên của Trung Quốc, người từng bị trù dập trong cách mạng văn hóa, nhưng sau đó được Ðặng Tiểu Bình trọng dụng và đóng vai trò quan trọng trong việc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Bạc Hi Lai được coi là người được ưu ái nhất của phái "Thái tử" và được cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân ủng hộ. Năm 2009, Bạc Hi Lai được Nhân Dân Nhật Báo chọn là "Nhân vật của năm". Ông từng giữ chức Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc.

Ông Bạc Hi Lai được biết đến như kiến trúc sư cho sự thay đổi ngoạn mục của Trùng Khánh, một tỉnh có 33 triệu dân với trung tâm là một thành phố 13 triệu dân, một trong năm thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Dưới thời ông Bạc Hi Lai từ năm 2007, Trùng Khánh đã trở thành một cực tăng trưởng kinh tế đáng kể của Trung Quốc.

Từ năm 2009, ông Bạc Hi Lai bắt đầu chiến dịch chống băng nhóm mafia ở Trùng Khánh và chỉ định ông Vương Lập Quân giữ vai trò chỉ huy. Theo tạp chí Tài Kinh, sau hàng loạt thành công của chiến dịch này, ông Vương Lập Quân được mô tả như là một mô hình kiểu mẫu của cảnh sát Trung Quốc. Dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bạc Hi Lai, ông Vương Lập Quân đã bắt nhiều cựu quan chức ở Trùng Khánh do bị cáo buộc tham nhũng, trong đó có cả cựu giám đốc sở tư pháp
Văn Cường.

Theo báo chí Trung Quốc, ông Bạc Hi Lai là một trong những ứng cử viên sáng giá vào vị trí lãnh đạo cấp cao của thế hệ lãnh đạo thứ năm, sau khi đại hội đảng 18 của Trung Quốc kết thúc.

Tuổi Trẻ

;
.
.
.
.
.